Trồng cây xanh làm cảnh để trang trí nhà cửa không còn xa lạ với mọi người. Một số loài cây không chỉ đẹp mà còn có thể thanh lọc không khí, đem đến không gian trong lành mát mẻ cho nhà bạn. Dưới đây là 10 loại cây lọc không khí trong nhà tốt nhất.
1. Cây Trầu Bà
Cây Trầu Bà có nhiều loại làm cảnh quen thuộc như Trầu Bà Vàng, Trầu Bà Xanh, Trầu Bà Cẩm Thạch, Trầu Bà Sữa, Trầu Bà Leo Cột, … Giống cây này được coi là cây cảnh lọc không khí tốt nhất, bởi theo nghiên cứu của NASA, cây có thể hấp thu benzene, fomandehit, tricloetylen, toluene và xylen. Đặc biệt, Trầu Bà là cây dây leo, sức sống mạnh mẽ, trồng trong đất hay trong nước cũng đều sinh trưởng tốt, trong chậu treo hay chậu để bàn đều được.
2. Cây Lưỡi Hổ
Lưỡi Hổ là cây phong thủy trừ tà ma, bùa chú, mang may mắn đến cho người trồng. Không chỉ có thế, cây còn là cây cảnh thanh lọc không khí cực tốt. Những chất như fomandehit, benzen, tricloetylen, xylen và toluen đều được cây hấp thụ hết. Đặc biệt, Lưỡi Hổ còn có thể trồng được trong phòng ngủ, giúp chúng ta có giấc ngủ sâu hơn bởi cơ chế CAM nhả oxy vào ban đêm.
3. Cây Dây Nhện
Cũng theo công bố của NASA, cây Dây Nhện hay Cỏ Lan Chi là “máy lọc không khí” số một hiện nay. Bởi cây có thể hút lấy cacbonic và các chất độc hại trong không khí như fomandehit, benzene. Dây Nhện cũng khá phù hợp nếu bạn muốn trồng trong phòng tắm để lọc bớt amoniac, vi khuẩn, nấm mốc gây hại.
4. Cây Lan Ý
Lan Ý không chỉ mang vẻ đẹp quý phái sang trọng của những bông hoa trắng muốt. Lan Ý còn là cây lọc không khí cực tốt, phù hợp trồng trong nhà, văn phòng hay cơ quan làm việc. Những khí độc bay ra từ hóa chất dùng trong bột giặt, hồ dán, nhựa, sơn, vật liệu dán tường, lớp cách nhiệt hay trichloroethylene dùng trong quá trình giặt khô đều được cây này lọc sạch.
5. Cây Hồng Môn
Tất nhiên Hồng Môn là cây mang lại hồng phúc, may mắn cho gia chủ. Căn phòng được trưng bày một chậu Hồng Môn như sáng bừng sức sống với những bông hoa đỏ rực tươi thắm. Không chỉ vậy, căn phòng ấy còn có không khí trong lành, mát mẻ và ít khí độc hại hơn nhờ vào loại cây này.
6. Cây Ngũ Gia Bì
Nhiều người biết đến Ngũ Gia Bì như là cây thuốc nam chữa nhiều bệnh, giúp an thần, ngủ ngon giấc hay đuổi được muỗi. Một số khác cũng cho rằng cây Ngũ Gia Bì là cây cảnh phong thủy mang lại cuộc sống yên ấm, hòa thuận, bình an cho người trồng. Vậy bạn đã biết đến tác dụng lọc không khí của cây Ngũ Gia Bì chưa? Có thể khẳng định đây là cây cảnh lọc khí độc và khói bụi rất tốt đấy nhé.
7. Cây Cau Tiểu Trâm
NASA cho biết Cau Tiểu Trâm là một trong những cây cảnh có khả năng lọc bỏ benzene và tricloetylen có trong không khí khá hiệu quả. Cây nhỏ nhắn xinh xắn, sống được trong bóng râm nên thích hợp trồng trang trí trong nhà. Lưu ý khi trồng cây này là lá cây dễ héo để thay lá mới nên cần cắt tỉa thường xuyên.
8. Cây Nha Đam
Nha Đam quả thật là một cây có công dụng tuyệt vời. Chị em phụ nữ biết đến cây này với tác dụng làm đẹp (tốt cho da mặt) và làm nước uống. Các bà nội trợ dùng Nha Đam làm nguyên liệu chế biến món ăn. Cánh mày râu trồng Nha Đam làm cảnh. Nha Đam còn có thể dùng để làm dịu vết cháy nắng, vết bỏng nhẹ. Bên cạnh đó, tất cả chúng ta đều có thể trồng cây này để lọc không khí trong nhà.
9. Cây Thường Xuân
Cũng là cây cảnh dây leo như Trầu Bà, tuy nhiên Thường Xuân có tốc độ sinh trưởng nhanh mạnh hơn rất nhiều. Cây không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, có thể trồng chậu để bàn hoặc thả ra cho leo tường phủ kín không gian. Chính điều đấy giúp Thường Xuân trở thành cây cảnh được ưa chuộng để mang đến sự xanh mát cho nhà ở, văn phòng, quán cafe, … Đồng thời, cây cũng là cây cảnh lọc không khí cực kỳ hiệu quả. Cây gần như loại bỏ 58% phân tử nấm mốc và 60% các chất độc trong không khí.
10. Cây Vạn Niên Thanh
Có thể nói, Vạn Niên Thanh và các giống cây cùng loài với nó như Huy Hoàng, Ngân Hậu, Bạch Mã Hoàng Tử, Ngọc Ngân, …. đều khá hữu ích để trồng làm cây lọc không khí. Các khí độc như fomandehit, benzene hoặc các chất độc khác đều có thể được lọc qua “bộ máy” lá cây này. Tuy nhiên, lá và thân cây chứa độc tố khá mạnh nên cần lưu ý khi trồng nếu trong nhà có trẻ nhỏ và thú cưng.
Thông tin thêm:
1. Một số khí độc có thể có trong nhà bạn do NASA chỉ ra
– Tricloetylen: Thường có ở trong mực in, sơn tường, sơn màu, sơn dầu, chất kết dính, dung dịch tẩy sơn. Nếu tiếp xúc chất này trong thời gian dài có thể thấy khó chịu, chóng mặt, đau đầu, buồn ngủ, nôn mửa và hôn mê.
– Fomandehit: Được tìm thấy trong đồ nhựa, giấy màu, giấy sáp, khăn giấy, khăn ướt, ván gỗ Okal, ván ép, gỗ dán, vải tổng hợp. Hít phải chất này trong thời gian dài có thể gây dị ứng, ngứa mũi, miệng và viêm họng. Nặng hơn là gây sưng thanh quản, bệnh về phổi hoặc da.
– Benzen: Là một trong những hóa chất làm nhựa tổng hợp, dầu công nghiệp, thuốc nhuộm, chất tẩy rửa, thuốc trừ sâu, sản phẩm làm sạch như nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt. Benzen còn được tìm thấy trong khói thuốc, khói xe cộ, keo dán, sơn và sáp thực vật. Người tiếp xúc với benzen dài lâu có thể bị dị ứng mũi, buồn ngủ, chóng mặt, tim đập nhanh, đau nhức đầu, tâm thần bất định và một số trường hợp có thể bị bất tỉnh.
– Xylen: Có nhiều trong cao su, sản phẩm thuộc da, khói thuốc lá và khói xe cộ. Xylen có thể khiến miệng và họng khó chịu, chóng mặt, đau đầu, mắc các vấn đề về tim, gan, thận và có thể hôn mê.
– Amoniac: Được tìm thấy ở chất tẩy rửa, nước cọ sàn, phân bón, các linh kiện máy tính. Tiếp xúc với chất này trong thời gian dài có thể khiến mắt dị ứng, ho và đau họng.
2. Cách nhận biết không khí ô nhiễm thông qua cây lọc không khí
Với 10 loại cây lọc không khí ở trên, và nhiều cây khác, qua quá trình hút khói bụi và khí độc hại, thường thì lá cây sẽ bám bẩn. Chúng ta sẽ dễ dàng quan sát được mức độ ô nhiễm của không khí dựa vào màng bụi bám trên lá cây. Bụi màu càng sậm, càng dày đặc thì không khí càng ô nhiễm. Riêng với cây Nha Đam, các đốm nâu trên lá xuất hiện nhiều và đậm màu chứng tỏ không khí đang bẩn ở mức đáng báo động.
Ngoài ra, hiện nay tại các thành phố lớn xảy ra tình trạng ô nhiễm do bụi mịn – một loại bụi sinh ra từ khói các phương tiện giao thông, công trình xây dựng, nhà máy điện, công trình công nghiệp, đốt rác thải, … Bụi mịn gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe con người, làm suy giảm chức năng phổi, gây hen, thậm chí có thể gây biến đổi ADN. Ở trong nhà đóng kín cửa vẫn có nguy cơ mắc phải bụi mịn. Do đó nhiều cây cảnh lọc không khí như Trầu Bà, Lưỡi Hổ, Dây Nhện, … nên được trồng trong nhà.
Khi trồng cây để lọc khói bụi, cần thường xuyên lau sạch bề mặt lá bằng vải ướt để lỗ khổng của cây có chỗ “thở”, cây được sống lâu và khỏe mạnh hơn cũng như hút khói bụi tốt hơn.
Dưới đây là TOP những cây cảnh lọc không khí được yêu thích nhất tại Vườn Cây Việt
[wpcc-iframe src=”https://www.youtube.com/embed/3HkmZfvNG6Y” frameborder=”0″ width=”560″ height=”315″]
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên