Đặc điểm của các loại chậu cây trồng ban công
Chậu trồng cây là dòng sản phẩm dùng để đựng đất dinh dưỡng trồng cây. Chúng cho cây có một môi trường đầy đủ và thích hợp nhất để phát triển. Bên cạnh đó, chậu trồng cây còn là công cụ giúp tăng tính thẩm mỹ của cây trồng cũng như là mỹ quan cho không gian ban công. Hơn nữa, việc trồng cây và hoa lá ngoài ban công đang dần trở nên phổ biến. Cùng với đó, chậu trồng cây cũng được sử dụng với nhiều phong cách bài trí khác nhau. Và hiện trên thị trường cũng có rất nhiều loại chậu trồng thực vật với nhiều chất liệu, màu sắc, kích thước, kiểu dáng đa dạng cho bạn chọn lựa.
Thêm vào đó, việc chọn loại cây phù hợp để trồng trong chậu cây cũng rất quan trọng. Một số loại cây thường được trồng trong chậu có thể kể đến như các loại hoa treo, cây dây leo, cây hoa, cây cảnh… Với một số loại cây hoa leo, vì treo lên không trung nên chậu hoa, đất, cây phải nhẹ và thoát nước tốt để giảm trọng lượng chậu treo. Hoa để trồng chậu treo thường là các loại cây nhỏ xinh, rực rỡ và có độ rũ nhất định như: dạ yến thảo, phong lữ thảo rủ, thu hải đường, triệu chuông, mắt nai rủ… Không chỉ treo, bạn cũng có thể bài trí chậu trồng cây ban công trên các giá, kệ cao để cây rủ xuống, tạo vẻ đẹp cuốn hút cho không gian.
>>> Xem thêm: Các loại cây treo ban công đẹp, dễ chăm sóc tạo điểm nhấn rực rỡ cho không gian
Lưu ý chọn chậu trồng cây ban công
1
Trước khi quyết định chọn mua chậu trồng cây ban công, bạn phải cân nhắc đến tính thiết thực của nó. Bạn có thực sự cần chậu cây hay không? Mẫu chậu cây nào thực sự cần thiết và phù hợp cho ban công nhà mình? Hãy tự hỏi bản thân những câu hỏi, tránh việc mua về mà lại không sử dụng tới hoặc khiến ban công trở nên rối mắt, chật chội hơn. Đây là yếu tố quyết định đến hiệu quả thẩm mỹ mà chậu cây có thể đem lại.
2
Một yếu tố tiếp theo mà bạn cần xem xét đó là kích thước của cây hoa hay cây cảnh mà bạn dự định trồng để chọn mẫu chậu phù hợp. Cùng lúc đó, bạn cũng phải tính đến sự phát triển và cao lớn lên của cây về sau. Với những cây có kích thước lớn hay có khả năng phát triển nhanh, bạn nên chọn chậu có kích thước lớn. Ngược lại, với những cây trồng có kích thước nhỏ, bạn chỉ nên mua những chậu ban công nhỏ để tạo sự hài hòa tổng thể cho chậu cây.
3
Chậu trồng có màu sắc hòa hợp với thiết kế tổng thể của ban công. Màu sắc của chậu trồng cây ngoài ban công phù hợp với màu của kiến trúc là rất quan trọng. Bởi suy cho cùng, mục đích của việc trồng hoa và cây cảnh là tăng tính thẩm mỹ cho không gian sống. Cụ thể, chọn chậu cây có màu sắc quá sặc sỡ cho một ban công hiện đại tông đen trắng là hoàn toàn không phù hợp. Tương tự, ban công ấm cúng lại chọn những chậu trồng cây màu sắc trầm và tối là không nên.
4
Lựa chọn chậu có lỗ thoát nước phù hợp. Yếu tố này cần xem xét với một số loại cây khi bạn quyết định trồng cây trong chậu. Ví dụ như cây hoa lan, việc chọn chậu có lỗ thoát nước là vô cùng quan trọng giúp cây trồng không bị úng nước và thối rễ. Tuy nhiên, một số loại cây khác có tính chịu úng cao thì điều này cũng không thật cần thiết lắm.
>>> Xem thêm: Các mẹo và cách trồng cây ban công luôn tươi, xanh
15 Loại chậu trồng cây ban công phù hợp
Ban công là nơi hứng chịu mọi điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và môi trường do là phần nhô ra khỏi căn nhà. Vì vậy, những chậu trồng cây ngoài ban công cần có độ bền tốt, chịu được nhiệt độ cao của ánh nắng buổi trưa. Trên thị trường hiện nay có rất nhiều mẫu chậu trồng cây để bạn lựa chọn. Tiêu chí tiên quyết vẫn là đảm bảo sự hài hoà cho không gian ban công bạn nhé! Về cơ bản, sau đây là một số loại chậu trồng cây ban công được bày bán trên thị trường.
1. Chậu trồng cây ban công bằng xi măng
Những năm gần đây, chậu xi măng dường như vẫn luôn nắm vững vị trí của mình và được sử dụng phổ biến trong các văn phòng, nhà ở, quán cafe, nhà hàng… Tuy có kiểu dáng đơn giản, màu sắc thuần xám nhưng cũng chính vì thế mà chậu xi măng tự tạo nên cho mình vẻ đẹp nổi bật không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, khi phối hợp loại chậu này để trồng cây xanh, không gian sẽ mang một hơi hướng cổ điển châu Âu lạ mắt.
Bên cạnh đó, chậu xi măng rất chắc chắn nên phù hợp để trồng các cây trồng cỡ lớn mà không lo cây bị đổ do gió to. Thêm vào đó, chất liệu xi măng dày dặn và chắc chắn nên cách nhiệt rất tốt, giúp bảo vệ cây trồng hiệu quả, đặc biệt trong điều kiện nắng gắt ngoài ban công buổi trưa.
Các sản phẩm chậu xi măng hiện nay được sản xuất với rất nhiều kích thước đa dạng, từ hình vuông đến chữ nhật, hình thang, hình ống, bo đáy… Tuỳ vào diện tích ban công và loại cây mà bạn có thể chọn chậu ưng ý nhất nhé!
2. Chậu trồng cây ban công – Chậu đá mài
Chậu đá mài thuộc top các loại chậu phổ biến nhất để trông cây hiện nay. Trong thành phần của chậu đá mài có thành phần chính là xi măng kết hợp với cát đá, chất tạo dính, chống thấm… Từ đó, chúng tạo nên một loại chậu trồng cây ban công hoàn hảo cả về độ bền lẫn chất lượng để cây hoa có thể phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, chậu đá mài thường được sử dụng để trang trí ban công trong không gian hiện đại, sang trọng. Ngoài ra, bạn cũng có thể tận dụng để trồng cây cả trong nhà nữa.
3. Chậu nhựa trồng cây ngoài ban công
Chậu trồng cây bằng nhựa thường được làm bằng chất liệu nhựa PP tổng hợp. Đây là chất liệu có tính cơ học cao nên chậu nhựa rất mềm, mỏng, nhẹ nhưng cũng rất dai và chịu được khí hậu khắc nghiệt. Do đó, chậu nhựa rất phù hợp để trồng ở ban công hướng nắng. Hơn nữa, chậu treo bằng nhựa có ưu điểm nổi bật là khối lượng nhẹ, dễ di chuyển và thay đổi vị trí.
Qua quá trình sản xuất tiên tiến, chậu nhựa hiện rất đa dạng về kiểu dáng và kích thước. Có rất nhiều loại chậu được thiết kế phù hợp với từng không gian ban công và loại cây trồng như: giỏ hoa treo ban công, móc treo hay chậu đặt trên các kệ, giá sắt. Bên cạnh đó, chậu nhựa trồng hoa ban công có thể được thiết kế gắn vào tường hay thành ban công. Việc vệ sinh chậu hay thay đất cho cây cũng sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Tuy nhiên, bạn cũng cần lưu ý, nếu bạn không mua chậu nhựa ở cửa hàng hoặc đại lý phân phối uy tin, bạn sẽ dễ mua phải chậu nhựa làm từ nhựa tái chế, dễ mục nát và gây hại cho sức khỏe. Hơn nữa, một số loại chậu nhựa có thành chậu khá mỏng nên có cách nhiệt khá yếu, dễ bị nóng lên khi nắng gắt, khiến cây trồng dễ bị sốc nhiệt.
>>> Xem thêm: Các loại cây trồng ban công dễ chăm sóc, lọc bụi tốt cho nhà bạn
4. Chậu giả gỗ treo ban công
Với các đặc tính tương tự như chậu nhựa, chậu trồng cây ban công giả gỗ rất nhẹ, dễ vận chuyển, bền đẹp theo thời gian.
Hiện nay, chậu nhựa giả gỗ được dùng phổ biến để trồng lan, treo các loại lan quý. Ngoài ra, chậu nhựa giả gỗ cũng rất thích hợp để trồng các loại cây treo khác như dạ yên thảo, thường xuân, chuỗi ngọc hạt, son môi, lan tim, dola…
5. Chậu cói trồng cây ban công
Với xu hướng hoài cổ đang được ưa chuộng hiện nay, trào lưu trang trí cây xanh bằng giỏ cói ngày càng trở nên phổ biến ở Việt Nam. Chậu cói có vẻ đẹp mộc mạc, thân thiện với môi trường nhưng không kém phần tiện dụng. Hiện nay giỏ cói thường được làm thủ công bằng tay với nhiều kích thước đa dạng khác nhau. Tuỳ theo nhu cầu và mục đích sử dụng mà bạn chọn kích thước và kiểu dáng phù hợp nhất nhé! Ngoài trồng cây, giỏ cói cũng còn có thể trở thành một ngăn chứa đồ vô cùng tiện lợi. cho ban công nhà bạn đấy!
6. Chậu Composite trồng cây
Chậu trồng composite có thành phần chính là nhựa, sợi thủy tinh fiberglass và đá vôi. Hiện nay, có rất nhiều mẫu chậu Composite từ truyền thống cho đến hiện đại được bày bán trên thị trường. Sản phẩm này rất phù hợp để trồng cây cảnh ngoài ban công, cho bạn thỏa sức sáng tạo không gian ban công. Mỗi loại chậu Composite sẽ phù hợp với các loại cây trồng khác nhau.
Bên cạnh đó, kế thừa những chậu cây nhựa truyền thống, loại chậu trồng cây ban công này rất bền, khó bị vỡ dù có va chạm hay bị đổ. Nó rất phù hợp để trồng cây trong thời tiết nóng ẩm như ở Việt Nam để cây có thể được bảo vệ và phát triển toàn xanh tươi nhất. Chậu trồng cây composite còn được làm bằng chất liệu thân thiện và an toàn với môi trường.
Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại chậu này chính là giá thành cao hơn so với các loại chậu cây trang trí thông thường.
7. Chậu trồng cây ban công – Chậu đất nung
Chậu đất nung có hình dáng, hoa văn được tạo trên nền đất sét. Chúng hầu hết được làm thủ công và mang màu trung tính đặc trưng, rất thích hợp với những ai theo đuổi phong cách hoài cổ.
Có thể nói, đây là loại chậu trồng cây ngoài ban công không quá mới lạ. Nó đã sớm ra đời và có mặt trên thị trường chậu cảnh Việt Nam từ rất lâu trước đây. Nhưng nhờ những ưu điểm nổi bật mà nó mang lại, chậu đất nung dường như chưa bao giờ lỗi thời. Một trong những đặc tính của loại chậu này là khả năng thoát nước và giữ ẩm tốt cho cây rất tốt. Ngoài ra, chậu đất nung có tính xốp, giúp dễ dàng lưu thông khí và có độ hút ẩm cao, cung cấp oxy cho cây trồng và hạn chế tình trạng úng rễ. Từ đó, chậu sẽ trở thành một môi trường thuận lợi để cây trồng phát triển mạnh mẽ hơn.
Bạn có thể dễ dàng tìm mua chậu đất nung ở hầu hết các cửa hàng bán chậu cây cảnh hoặc bạn cũng có thể đặt hàng làm riêng nếu muốn sở hữu những kiểu dáng chậu đặc biệt. Mức giá của chậu đất nung cũng nằm trong mức bình dân nhất, phù hợp với túi tiền của mọi người.
8. Chậu sứ trông cây ban công
Chậu sứ được làm từ đất sét ở dạng cao lanh hay còn gọi là dạng tinh mang vẻ đẹp hiện đại và sang trọng, rất thích hợp để trồng những cây cảnh có dáng cao và thân nhỏ như cây trúc bách hợp, cây trúc nhật, cây cau hawaii… Chậu sứ được sử dụng rất phổ biến để trang trí trong văn phòng, để bàn hoặc để sàn. Với nhiều kiểu dáng, màu sắc và kích thước đa dạng, loại chậu trồng cây ban công này có thể phù hợp với nhiều loại cây trồng và ý tưởng thiết kế khác nhau. Bên cạnh đó, chậu trồng cây bằng sứ có khả năng giữ ẩm rất tốt nên đặc biệt phù hợp với các loại cây ưa ẩm.
Tuy nhiên, chậu trồng cây bằng sứ thường có trọng lượng lớn nên sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển khi cần thiết. Đồng thời, trong trường hợp không may chậu sứ bị vỡ, các mảnh sứ sắc nhọn có thể gây nguy hiểm cho bạn.
9. Chậu xơ dừa treo ngoài ban công
Đây là loại chậu trồng cây ban công khá đặc biệt khi được làm từ vỏ dừa. Chậu trồng cây xơ dừa có khả năng cách nhiệt tốt, giúp cây trồng không bị nhiệt độ bên ngoài ảnh hưởng. Độ thoát nước cao cùng khả năng giữ ẩm tốt sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cây trồng phát triển. Trong trường hợp bạn không muốn dùng chậu cây nữa, thay vì vứt đi, bạn hãy chôn chúng dưới đất. Bởi khi chậu phân hủy sẽ tạo thành các chất dinh dưỡng cho đất.
Chậu xơ dừa hiện nay được thiết kế với nhiều kiểu dáng đa dạng và độc đáo khác nhau, cho bạn thỏa sức sáng tạo. Ví dụ như, chậu treo dạng hình bán nguyệt được thiết kế một mặt ốp được vào tường để tiết kiệm diện tích trang trí cho mảng tường, ban công, hàng rào… Tường ban công nhà bạn sẽ thêm phần sinh động và thú vị hơn.
10. Chậu trồng cây ban công – Chậu kim loại
Các chậu trồng cây bằng kim loại có ưu điểm là độ bền cao, khó nứt vỡ, chịu nắng, mưa và ẩm rất tốt. Thậm chí, bạn cũng sẽ còn có thể cảm nhận được vẻ đẹp độc đáo của chậu khi bị gỉ sét theo thời gian. Tuy nhiên, do được làm bằng chất liệu kim loại, loại chậu trồng cây ban công này không có nhiều hoạ tiết sinh động. Hơn nữa, chúng sẽ dễ bị nóng lên khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời trong những ngày nắng gắt và gây hại cho cây trồng.
11. Chậu cảnh thủy sinh
Nếu bạn muốn tạo nét bứt phá cho không gian ban công nhà bạn thì đây là ý tưởng không tồi. Thay vì trồng cây bằng đất thì bạn sẽ trồng cây bằng nước. Do đó, cây trồng trong những loại chậu cảnh này là những thực vật thủy sinh, sống trong nước như hoa sen, lục bình, thủy quỳnh… Thông thường, những chậu cây trồng thủy sinh thường sẽ có 2 phần: bên ngoài là bình thủy tinh hoặc chậu nhựa trong, bên trên sẽ đặt một giá thể nhựa để cây. Những giá thể này sẽ có khe hở để kích thích rễ cây phát triển.
12. Chậu gỗ trông cây
Chậu trồng cây ngoài ban công bằng gỗ được làm từ nguyên liệu tự nhiên nên hoàn toàn thân thiện với môi trường. Chúng có trọng lượng nhẹ nên rất dễ dàng di chuyển xung quanh khi trang trí ban công. Hơn nữa, loại chậu này còn được ưa chuộng nhờ khả năng giữ ẩm tốt, chịu nhiệt, chịu lạnh tốt nên rất phù hợp trồng các loại cây và hoa.
Hiện nay, bạn có thể tìm mua chậu gỗ với nhiều kích thước và mẫu mã khác nhau. Chậu có thể được thiết kế để treo, để đặt hay để gắn tường, tận dụng khoảng không gian tường ban công. Trồng cây trong chậu gỗ sẽ đem lại vẻ đẹp nhã nhặn, trẻ trung và sang trọng cho không gian ban công nhà bạn.
Tuy nhiên, chậu gỗ lại thường có độ bền không cao và dễ bị mục theo thời gian. Đồng thời, giá thành của chậu khá cao.
13. Chậu hoa kẹp ban công
Nếu bạn sở hữu ban công nhà có diện tích nhỏ, tận dụng lan can để trồng cây là một ý tưởng tuyệt vời. Chúng thường được làm bằng chất liệu nhựa cao cấp, chịu nhiệt tốt, không phai màu dưới điều kiện thời tiết nắng, mưa. Bạn có thể lựa chọn những chậu cây dài ngang hay chậu hàng rào cho vị trí này. Hơn nữa, trên thị trường hiện nay có rất nhiều thiết kế chậu trồng cây ban công đặc chế riêng cho lan can được yêu thích..
Để chọn được chậu kẹp ban công phù hợp, bạn cần đo đường kính thanh song để đối chiếu với đường kính khoét sâu của chậu. Cùng với đó, để dễ lắp đặt và vệ sinh mà vẫn đủ vững chắc để trồng cây trong chậu, bạn nên chọn chậu có đường khoét sâu lớn hơn 1 – 2 cm so với đường kính thanh song ban công. Dù trong thời tiết gió mạnh và nhiệt độ khắc nghiệt, chậu cây vẫn có thể trụ lại rất tốt đấy!
Ngoài ra, với hình dáng được thiết kế đặc biệt, ngoài gắn lên lan can ban công, bạn cũng có thể gắn chậu lên tay vịn cầu thang… mà không cần sử dụng ốc vít. Chậu trồng hoa lan can được sử dụng để trồng các loại hoa như: Trà hoa cúc, Dạ yên thảo, hoa cúc, Vạn thọ pháp, Hoắc hương, Dương xỉ…
14. Chậu móc treo, chậu gắn cho ban công
Đây là một trong những dạng chậu trồng cây ban công phù hợp với ban công có diện tích nhỏ. Chậu treo sẽ tận dụng không gian ở tường hay trên cao để tô điểm cho ban công mà không chiếm nhiều diện tích. Những chậu gắn ban công đa dạng về mẫu mã và kiểu dáng sẽ giúp bạn đưa ra lựa chọn dễ dàng hơn. Những bức tường trống không vô vị sẽ trở nên sống động và tinh tế hơn, cho bạn thỏa sức thể hiện sự sáng tạo và gu thẩm mỹ riêng của mình.
15. Làm chậu hoa bằng chai nhựa
Nếu bạn may mắn sở hữu đôi bàn tay khéo léo và tỉ mỉ, hãy thử sức tạo ra chậu trồng cây ban công cho riêng mình nhé! Với những dụng cụ đơn giản, bạn đã có thể làm ra những chậu hoa vô cùng xinh xắn và tiện lợi. Bạn có thể làm chậu hoa từ lọ chai rỗng, bình sữa, can nước… Ngoài ra, việc sắp xếp và bài trí các chậu hoa hợp lý cũng sẽ tạo nên điểm nhấn “có một không hai” cho ban công nhà bạn không thể lẫn vào đâu được.
Ý tưởng gợi ý khi trang trí ban công với chậu trồng cây
Tùy thuộc vào phong cách trang trí ban công mà bạn bố trí các chậu cây sao cho phù hợp. Nhìn chung, hãy để những chậu cây mà mình yêu thích nhất ở vị trí dễ nhìn thấy trên ban công. Điều này giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi ngồi tận hưởng làn gió trong mát mỗi buổi chiều tà, hoặc khi đón ánh nắng dịu dàng mỗi buổi sớm bên ly cà phê.
Cách chăm sóc chậu trồng cây ban công tại nhà
Dù bạn chọn lựa loại chậu trồng cây ban công nào thì việc chăm sóc phù hợp cho từng loại cây cũng đều rất quan trọng. Về cơ bản, sau đây là một số yếu tố bạn cần đảm bảo cho cây trong quá trình chăm bón để cây sinh trưởng tốt nhất.
1. Phân bón và nước tưới
Lượng nước tưới còn tùy thuộc vào đặc tính của loại cây và cả điều kiện môi trường xung quanh. Bạn nên thường xuyên xem xét các yếu tố như độ ẩm không khí, nắng, mưa… Trong trường hợp độ ẩm cao, bạn nên tưới ít nước hơn mọi ngày.
Cùng với đó, bạn nên tiến hành kiểm tra lượng nước sẵn có trong chậu cây. Cách đơn giản nhất là sử dụng que đũa tre cắm thẳng xuống chậu giữa gốc và thành chậu. Tiếp theo, bạn miết tay vào que, nếu thấy tay ướt thì không phải tưới nước nữa và ngược lại. Ngoài ra, khi thời tiết trở nên hanh khô vào mùa thu, mùa đông thì bạn nên tưới nước nhiều hơn một chút.
2. Đảm bảo đủ ánh sáng cho chậu trồng cây ngoài ban công
Thực tế, không có một hướng dẫn chung nào về mức độ ánh nắng cần thiết cho cây phát triển. Các cây cho hoa thường đòi hỏi nhiều ánh nắng hơn. Càng đủ nắng cây càng sai hoa, tối thiểu là 6 giờ nắng/ ngày. Trong khi đó, những chậu hoa treo thường trồng các loại cây thân thảo sẽ dễ bị héo khô vì nắng gắt. Do đó, bạn nên che chắn nắng cho cây cẩn thận hơn vào mùa hè.Ngoài ra, với những loại cây cảnh khác, mùa đông, mùa thu hoặc khi nhiệt độ từ 15-20 độ C là lý tưởng nhất để cây phát triển. Bạn có thể để cây ngoài trời thoải mái, thậm chí khi trời mưa không quá to cũng không cần thiết phải che chắn. Bên cạnh đó, việc lựa chọn chất liệu cho chậu trồng cây ban công cũng là yếu tố quan trọng để cây không bị sốc nhiệt.
3. Phòng bệnh cho cây trồng ban công
Hãy thường xuyên quan sát để phát hiện sớm nhất nguy cơ gây hại cho cây. Một số việc bạn nên thực hiện để chăm sóc tốt nhất cho cây bao gồm: cắt tỉa cành nhánh, bỏ lá úa dưới gốc để thoáng gốc và cây đỡ bị nấm bệnh. Ngoài ra, bạn cũng nên tránh để mưa rào hay mưa nặng hạt tạt lên cây. Bởi cây sẽ dễ bị mưa làm dập nát, thậm chí là thối rễ.
Những chậu cây trồng ban công là giải pháp thông minh giúp bạn tiết kiệm và tối ưu hoá không gian ban công nhà mình. Ban công nhà bạn sẽ được “hô biến” thành một khu vườn ấn tượng với những chậu hoa đậm phong cách cá nhân của bạn. Đừng quên theo dõi những thông tin hữu ích khác từ Cleanipedia nhé!
>>> Xem thêm:
- ✦
5 Ý tưởng làm chậu hoa bằng chai nhựa đơn giản và sáng tạo
- ✦
Ý tưởng trang trí ban công chung cư đẹp mà chi phí tiết kiệm
- ✦
Cách trồng rau sạch tại nhà đơn giản và tươi tốt
Tác giả: Team Cleanipedia
Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên