Lưỡi hổ (Sansevieria) – Vấn đề thường gặp và cách giải quyết

PIN Lưỡi hổ (Sansevieria) – Vấn đề thường gặp và cách giải quyết

Lưỡi hổ (Sansevieria) – Vấn đề thường gặp và cách giải quyết

Lưỡi hổ nổi tiếng là loài cây dễ nuôi, dễ chiều và rất ít bị bệnh. Bạn có thể tránh được tất cả các vấn đề dưới đây nếu như đã hiểu cây Lưỡi hổ của bạn cần cái gì.

⊕ Xem toàn bộ bài về Sansevieria

  • Giới thiệu chung
  • Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
  • Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
  • Cách chăm sóc tổng quan
  • 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
  • Các vấn đề thường gặp
  • Hỏi đáp/FAQ

Lưỡi hổ nói chung chỉ có 2 điểm yếu chí mạng, đó là thừa nước và nhiệt độ quá thấp (dưới 5 độ C). Đối với vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa như Việt Nam (nền nhiệt trung bình tháng trên 18 độ C) thì bạn không phải lo lắng về việc nhiệt độ quá thấp đến mức làm chết Lưỡi hổ.

Các vấn đề được gộp theo nhóm dựa theo nguyên nhân: 1a-1b: thiếu nước; 2a-2b: thừa nước; 3: thiếu sáng; và 4: côn trùng. Đương nhiên đó chỉ là cách nói vắn tắt để bạn dễ hình dung. Trên thực tế các vấn đề thường do nhiều yếu tố gộp lại, ví dụ ở các trường hợp 12 còn liên quan chặt chẽ tới cấu trúc đất. Trước khi đi sâu vào các vấn đề thường gặp dưới đây, hãy tham khảo bài viết Cách “không” chăm Lưỡi hổ (Sansevieria). Bạn sẽ có một cái nhìn tổng quan và chi tiết về tất cả các yếu tố tác động tới sức khỏe của Lưỡi hổ.

1a. Lá rũ xuống, xuất hiện nếp nhăn

Đây là hiện tượng rất bình thường do cây thiếu nước lâu ngày. Trong từng tế bào chất sống của cây đang diễn ra một cuộc “ngủ đông”. Chất tế bào chuyển từ trạng thái căng nở linh động “sol” sang trạng thái keo dẻo “gel”. Cây giảm dần hoạt động cho tới khi dừng hẳn, cũng là lúc keo đặc quánh lại. Đối với dòng cây mọng nước như Lưỡi hổ thì sự co lại của chất tế bào biểu hiện ngay bằng những nếp nhăn trên lá. Vì thế, việc cần làm là bạn nên tưới đẫm cho cây luôn và ngay. Thực tế là trong cây thường xuyên có sự thay đổi trạng thái từ “sol” sang “gel” và ngược lại. Chỉ cần có nước, những nếp nhăn sẽ mờ dần và cây trở về tươi tỉnh như thường. Vì vậy chúng mình luôn xem việc thiếu nước còn hơn là thừa nước.

Có một lưu ý là khi tình trạng này kéo dài quá lâu thì cây sẽ càng chậm hồi phục. Bạn sẽ phải tưới dần dần trong vài ba ngày mới thấy kết quả. Chỉ tưới vào những ngày nắng ráo và đặt cây nơi thoáng mát, có ánh sáng dịu nhẹ để đất mau khô. Nói chung, trước khi xử lý bất cứ hiện tượng lạ nào của cây, bạn nên hiểu về nhu cầu nước và cách tưới cho Lưỡi hổ vì đó là những điều căn bản nhất khi chăm dòng cây mọng nước này.

***Trường hợp đặc biệt: Lá nhăn dù tưới rất nhiều

Nếu cây của bạn trồng đất thịt mà lá bị nhăn nheo dù tưới rất nhiều, hãy kiểm tra ngay rễ của chúng!

Xem thêm  Cách chăm sóc mai vàng từng tháng trong năm chi tiết

Nếu gốc/rễ hơi nhũn, hóa nâu hoặc trong suốt, sờ vào bị mủn ra, cây của bạn đã bị thối. Lúc này vi sinh vật đã vô hiệu hóa khả năng hút nước của cây, khiến cho lá không được căng mọng, lâu ngày dẫn tới nhăn nheo như hình ảnh bên dưới. Tuy nhiên, nếu hiểu nhầm là cây bị héo do thiếu nước thì bạn sẽ chỉ càng làm tình hình thêm tồi tệ. Hãy xử lý cây của bạn như sau:

B1: Chuẩn bị giá thể mới sạch, tơi xốp và thoáng khí. Tạm ngưng bón phân trong thời điểm này.

B2: Loại bỏ toàn bộ phần bị thối bằng dao/kéo đã được vô trùng bằng cồn 90 độ.

B3: Đừng vội trồng lại ngay! Hãy phơi khô gốc cây vài hôm cho tới khi vết thương khô se lại hoàn toàn. Trồng lại vào hỗn hợp đất thoáng khí phù hợp với Lưỡi hổ hơn, và chỉ tưới khi đất đã khô hoàn toàn.

Lá nhăn rất dễ bị hiểu nhầm là cây thiếu nước. Photo: Hàn Thủy
Phần gốc thối được loại bỏ. Photo: Hàn Thủy
Quảng cáo


1b. Lá khô nhăn, cháy viền

Hiện tượng [1b. Lá khô nhăn, cháy viền] có thể kết hợp với hiện tượng [1a. Lá rũ xuống, xuất hiện nếp nhăn], thể hiện sự mất nước của cây. Tuy nhiên đối với dòng cây Lưỡi hổ lá dài, rất khó để thấy lá bị rũ xuống mà biểu hiện thường gặp hơn sẽ là lá bị khô nhăn, sờ vào thấy cứng và giòn.

lưỡi hổ sansevieria
Hiện tượng mất nước đột ngột ở Lưỡi hổ. (Photo: Peter A. Mansfeld – CC BY-NC-SA 2.0.

Nguyên nhân là cây bị cháy nắng, đặc biệt là khi cây của bạn để ở nơi tối trong nhà một thời gian dài rồi đùng một cái bị đưa ra giữa trưa nắng gắt. Lúc này nên đưa cây đến nơi có ánh sáng dịu hơn. Lưu ý cây cũng cần có thời gian để thích nghi. Nếu như bạn muốn thay đổi chỗ để của một cái cây, hãy thay đổi từng chút một, tránh trường hợp làm cây bị sốc nhiệt.

Nếu như cây Lưỡi hổ của bạn đặt cạnh cửa sổ hướng Nam và nhận rất nhiều nắng vào buổi chiều, bạn có thể giảm nắng bằng cách để cây xa cửa sổ một chút hoặc sử dụng tấm mành/lưới lọc sáng để giảm bớt nắng. Việc tưới đủ và đúng cách cũng giúp cho cây có sức đề kháng tốt hơn với những sự thay đổi đột ngột của thời tiết.

Quảng cáo


2a. Đốm/mảng vàng nâu, mềm nhũn ở cuống lá hoặc cả lá

Cây bị dư nước do tưới quá nhiều, hoặc tưới cây trong điều kiện bí, đất lâu khô như phòng kín không có ánh sáng tự nhiên hoặc rất ít ánh sáng vào mùa đông. Những vết thối ủng là do nấm và vi sinh vật gặp điều kiện thuận lợi để phát triển quá mạnh dẫn đến làm tổn thương cây.

Nếu chưa thối đến thân thì bạn chỉ việc ngắt lá bị thối đi và đặt cây nơi có nắng để làm đất khô. Nếu các lá và chóp non đều bị thối thì cây của bạn không thể cứu được nữa. Có thể bạn sẽ muốn thử vận may bằng cách cắt phần lá chưa bị thối phía trên và giâm thử vào đất hoặc nước sạch. Thực tế là việc nhân giống Lưỡi hổ không hề khó và bạn có thể làm mọi thứ ở nhà với một chút kiên nhẫn.

Quảng cáo


2b. Vết loét trên lá

Nhận biết: Các vết loét trên lá khác với vết thối nhũn do thừa nước ở chỗ, chúng thường xuất hiện bất cứ đâu như mép, mũi lá, giữa lá… mà không có quy luật gì. Vết thối nhũn thường sẽ nằm ở nơi tiếp xúc với nơi nước đọng như ở cuống lá, gốc rễ cây. Đối với mỗi chủng nấm/ vi khuẩn vết loét lại có biểu hiện khác nhau. Có loại nổi gờ và lõm xuống như vết thương, có loại giống đốm sao, cũng có loại hình thành những chấm đen li ti xung quanh một tâm tròn… Vết bệnh lớn dần lên và liên kết nhau làm cháy hoặc thối nhũn một mảng lá. Đây gần như là một “ác mộng” đối với cây Lưỡi hổ bởi vì nó diễn ra dần dần khi bạn không để ý cho tới khi cây khó có thể hồi phục được nữa.

lưỡi hổ sansevieria
Biểu hiện đầu tiên có thể chỉ là một vết úng nước. (Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0)

Nguyên nhân: Vết loét trên lá là hiện tượng ít gặp, thường chỉ xuất hiện vào mùa mưa và thường tấn công vào những cây đang trong tình trạng tù khí chứ không riêng gì Lưỡi hổ. Vì thế có thể nói nguyên nhân trực tiếp là vi khuẩn/nấm và nguyên nhân sâu sa là do cây bị “giam giữ” trong điều kiện độ ẩm quá cao.

Xem thêm  Cây Hoa Mua màu sắc tên gọi, công dụng, cách trồng chăm sóc

Khuẩn Pectobacterium carotovorum
Khuẩn Pectobacterium carotovorum. (Photo: Ko Ko MaungCC BY-NC 3.0)

Khuẩn Xanthomonas
Khuẩn Xanthomonas.

Riêng nấm có thể là trường hợp khó nhằn hơn bởi chúng lây lan qua bào tử. Bào tử thì không bị giới hạn bởi bất cứ cái gì, chỉ cần gió là chúng có thể nhanh chóng bay khắp nơi và lây nhiễm sang cả những cây khác mỗi khi bạn tưới cây.

Xử lý: Trước hết bạn cần cách ly và làm sạch toàn bộ cây bằng cồn 70 độ, cắt/loại bỏ khu vực nhiễm bệnh bao gồm các vết loét trên cây và cả đất trồng cũ. Có thể phơi nắng nhẹ để làm sạch mầm bệnh. Đợi rễ và các vết cắt khô lại bạn có thể trồng lại cây vào giá thể sạch và thông thoáng. Đừng quên làm sạch tay và tất cả dụng cụ như kéo, xẻng xúc đất… bằng cồn sau mỗi bước xử lý nhé.

3. Lá bợt màu, thân và lá vươn dài

Khi bạn đã chăm Lưỡi hổ một thời gian dài, có thể sẽ gặp hiện tượng lá em mọc ra vươn dài, nhỏ, hẹp hơn lá chị. Đối với những loài Lưỡi hổ đột biến (lá có các vệt màu vàng, trắng, hồng…hoặc các loại Lưỡi hổ lùn) lá có thể bị bay màu hoặc bị “đột biến đảo ngược” về màu xanh lợt. Đây là hiện tượng cây bị đói ăn thì đúng hơn là bị bệnh. Thức ăn ở đây chính là ánh sáng.

Cây Lưỡi hổ với cái tính cách lì lợm khó chết và nổi tiếng là “sống khỏe không cần ánh sáng” của nó đã bị bạn ỷ lại trong một thời gian dài, có khi là vài tháng không được nhìn thấy ánh mặt trời. Đừng quên rằng phải có đủ ánh sáng, mà lý tưởng nhất là ánh nắng dịu mỗi ngày, Lưỡi hổ mới có thể quang hợp, tạo ra chất hữu cơ để nuôi sống chính nó. Trong trường hợp này bạn chỉ cần cung cấp thêm cho nó ánh sáng thôi, đừng vội thêm nước. Lượng nước sẽ tỉ lệ thuận với cường độ quang hợp và do đó sẽ chỉ hữu dụng khi cây đã được sống quen ngoài sáng.

4. Côn trùng

Nhận biết: Đây là bài tập thử thách độ tinh mắt của bạn. Có trường hợp những đốm đen siêu bé như hạt bụi kèm theo tơ nhện dính đầy ở mặt dưới lá, bạn biết rằng đó là nhện đỏ. Lại có trường hợp bạn nhìn ra những đốm trắng biết bò khoảng 0,5-2mm, đôi khi túm tụm thành một đám màu trắng như bụi phấn, thì lúc này cây Lưỡi hổ đã bị rệp sáp tấn công. Nhìn kĩ bạn có thể sẽ thấy chân của những con rệp chúa nữa.

Rệp sáp Mealy bugs
Photo: 57Andrew – CC BY-NC-ND 2.0.

Rệp sáp thường là do kiến đen mang tới trú ngụ trên cây để khai thác để lấy mật và giết thịt như một loại gia súc. Thế nhưng chúng cũng rất rất hiếm khi chọn Lưỡi hổ làm nông trường chăn nuôi bởi Lưỡi hổ khá cứng cáp. Chúng sẽ nghiêng hơn về khả năng đó là sinh trưởng sôi động bên dưới bầu rễ. Đây là lí do bạn nên kiểm tra và thay giá thể sạch cho cây ngay khi mới mang về nhà.

Rệp sáp Mealy bugs
Rệp sinh trưởng mạnh dưới bầu rễ. (Photo: NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0)

Xử lý: Bạn có thể phòng và trị côn trùng bằng việc thường xuyên lau lá bằng cồn 70 độ, kết hợp tưới trị bằng dầu Neem hoặc nước rửa chén pha loãng, xịt định kỳ tuần 1-2 lần. Liên tục như vậy trong vòng 1 tuần – 1 tháng, côn trùng có thể tiếp tục sinh sôi thêm vài lứa cho tới khi nhận ra cây của bạn không còn là nơi ở lí tưởng cho chúng nữa.

Xem thêm  Tổng hợp 10+ loại đất trồng hoa cây cảnh phổ biến và tốt nhất hiện nay

Kết luận

Một lần nữa mình khuyên bạn hãy quay trở lại săn sóc những điều kiện cơ bản cho cây từ bước chuẩn bị giá thể, đảm bảo cây nhận được đủ và không thừa thãi những yếu tố khác như nước, ánh sáng, dinh dưỡng… Và đặc biệt, tình cảm, sự quan tâm của bạn, dù chỉ là mỗi ngày liếc nhìn cây một cái để xem nó có đang “happy” hay không cũng có khả năng đem đến khác biệt lớn. Làm như vậy, có lẽ bạn chẳng bao giờ phải lo lắng đến bất cứ vấn đề nào đối với cây Lưỡi hổ.

Loạt bài trong mục “Hồ sơ cây (Plant Profile)” được xây dựng dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của vườn NOTH. Bọn mình luôn cố gắng tiếp cận với việc chăm sóc cây theo cách toàn diện nhất. Nếu cây của bạn gặp phải vấn đề không giống bất kì tình trạng nào trong bài viết này, bạn có thể tìm tại trang FAQ, xem các bài viết liên quan hoặc liên hệ trực tiếp với vườn NOTH để được hỗ trợ. Còn nếu bạn yêu thích Lưỡi hổ và có kiến thức muốn chia sẻ thêm, mục Đóng góp nội dung cuối bài là dành riêng cho bạn.

⊕ Xem toàn bộ bài về Sansevieria

  • Giới thiệu chung
  • Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
  • Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
  • Cách chăm sóc tổng quan
  • 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
  • Các vấn đề thường gặp
  • Hỏi đáp/FAQ

Tham khảo

  1. https://www.researchgate.net/publication/298483820
  2. https://www.researchgate.net/publication/251378754
  3. https://www.ipmimages.org/browse/detail.cfm?imgnum=5438862

___
©2020 NOTH GardenCC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.

Đóng góp nội dung

Mọi thông tin trong bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm. Nội dung trong bài sẽ không được đảm bảo là chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật nội dung bài viết (có thể thêm/sửa nội dung) sao cho phù hợp với người đọc nhất có thể. Vì vậy chúng mình mong muốn nhận được sự đóng góp và đánh giá lại mọi thông tin để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn và người đọc có thể nhận được những thông tin ngày càng chất lượng hơn.


Quảng cáo



2
Shares



  • 2






Biên tập viên

Dũng Cá Xinh
Dũng Cá Xinh
Nông dân nghèo một vợ bốn con!