Vì sao phải thay đất cho cây nhà?
Bài viết sẽ giúp bạn hiểu về “khí quyển” của cây nhà(*) “, trong đó thay đất (giá thể) là để giúp chúng “ứng phó với biến đổi khí hậu”.
- Cơ bản về ánh sáng
- Vì sao phải thay đất?
- Cách trộn giá thể đất cho cây nhà
- Cách tưới nước cho cây nhà
- WDH – Công cụ hỗ trợ tưới nước
Đất trồng hoàn hảo cho cây nhà(*) sẽ như thế nào? Thật khó trả lời. Nếu như chăm chỉ theo dõi các hội nhóm, hot blogger… thường xuyên chia sẻ về cây cảnh, có thể bạn sẽ nhanh chóng ngập chìm trong các cách thức trồng cây khác nhau. Mỗi nhà vườn hoặc dân chơi cây chuyên nghiệp dường như đều có một công thức trộn đất, giống như mỗi bà mẹ người Ý đều có cách pha sốt cà chua của riêng mình vậy. Tuy nhiên nếu để ý kĩ, bạn sẽ nhận ra điểm chung rằng ưu tiên của họ không phải lượng dinh dưỡng trong đất, mà là khả năng hỗ trợ cho một bộ rễ phát triển khỏe mạnh nhất có thể.
Loại đất dùng để thay cho toàn bộ cây nhà NOTH là một hỗn hợp của nhiều loại chất trồng (giá thể) khác nhau. Đây thực ra là một dạng trồng cây không dùng tới đất (soilless culture). NOTH sẽ không lưu giữ hiểu biết về đất như một công thức bí mật mà sẵn sàng chia sẻ với bạn cách để tự mình tạo nên hỗn hợp ấy hoàn toàn miễn phí. Nhưng trước hết, NOTH sẽ kể cho bạn câu chuyện của đất rừng, loại đất lí tưởng nhất đã có sẵn trong tự nhiên.
(*)”Cây nhà” (house-plant): Các loại cây được trồng vào trong chậu và đặt bên trong phạm vi tòa nhà (nơi sinh sống hoặc nơi giải trí, học tập, văn phòng làm việc…), không hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết (mưa, nắng, gió)… như cây trồng ở ngoài trời. Cụm từ này sẽ được nhắc tới nhiều lần trong loạt bài của NOTH.
Đất là một thực thể sống
Khi vào rừng nguyên sinh và đào lên một miếng đất dưới gốc những cây lớn, bạn sẽ thấy nó luôn rất tơi xốp, dù trải qua nhiều ngày mưa. Những hạt đất gắn kết với nhau khi mình bóp chặt lại, nhưng đồng thời cũng rất tơi và dễ dàng tách rời. Nó có tính chất gần giống như miếng bọt biển, giữ nước và thoát nước cùng một lúc. Đó là kiểu đất chúng ta cần.
Với loại đất này, rễ không mất quá nhiều sức lực đâm xuyên qua đất để đến với nguồn nước và những nơi nó muốn. Rễ càng béo khỏe thì cây càng lớn. Người ta có thể cực giản hóa đất là sự cấu thành của những thành phần vô cơ (như sét, cát, bùn, khí gas, nước…) và hữu cơ (như xác và chất thải của động-thực vật). Hoặc cũng có thể theo cách hiểu thông thường về đất như “đất cát”. Thế nhưng vườn NOTH mời bạn thử nhìn vào đất dưới một lăng kính khác.
Nếu bạn đã từng có trải nghiệm sống tại nông thôn rồi mới chuyển ra thành phố như mình, bạn sẽ phần nào hiểu được cái gì tạo nên vị ngon ngọt và hương vị phong phú của rau trồng ở các vùng quê, vùng đồi núi so với rau trồng thủy canh, khí canh hay thậm chí là rau trồng nhà kính mua ở siêu thị. Điều này thể hiện càng rõ rệt ở các loại rau gia vị – rau thơm. Mình hay đùa với bạn bè rằng việc không ngon miệng là bởi vì mình đang ăn một loại rau không có “linh hồn”. Vị ngon tự nhiên phải đến từ những quá trình phức tạp và kì diệu diễn ra trong đất mà không có loại phân bón hay thuốc kích thích nhân tạo nào có thể bổ sung cho cây được. Khi ở trong rừng, một chiếc lá từ trên cây rớt xuống lập tức trở thành công việc cho hàng vạn hàng tỉ vi sinh vật. Chúng “mớm ăn” cho rễ cây bằng cách tiết ra enzyme để biến những chất khó tiêu trong đất trở thành những phần tử dinh dưỡng dễ hấp thu. Chiếc lá cây rồi sẽ biến thành chất mùn nuôi dưỡng ngược lại cho cái cây đó. Sự vận động địa chất ở lớp nền trong đất cũng thu hút các loại nguyên tố khoáng giúp kích thích vị giác của con người. Nếu như thiếu một yếu tố như mưa, sức gió, nhiệt độ hoặc một loại nấm hay vi khuẩn phân giải nhất định trong đất… thì vòng tuần hoàn kia đã không diễn ra, cái cây sẽ biến mất, ngay lập tức.
Đất rừng luôn được tuần hoàn.
Photo: engin akyurt – Unsplash.
Photo: Lindsey Hogue – Unsplash.
Như vậy đất cũng không ngừng thay đổi, tạo điều kiện sinh sống và đồng thời cũng chịu ảnh hưởng của mọi sinh vật cũng như các vật chất nằm trong đó. Đất không đơn thuần là “đất cát” mà là một mối quan hệ, như thể mối quan hệ giữa con người với hệ vi sinh vật thường trú trong đường ruột chẳng hạn. Thiếu những cư dân tí hon ấy thì chúng ta sẽ chẳng thể tiêu hóa được gì. Khi đất được trao cho một danh từ là Đất Mẹ, bạn có thể hiểu rằng loại đất đó phải có khả năng nuôi dưỡng và chuyển hóa. Đất đích thực là một thực thể sống.
Photo: Jonatan Lewczuk – Unsplash.
Điều không may đối với hầu hết chúng ta khi sinh sống ở đô thị là không có được điều kiện đất như vậy. Lớp đất bề mặt (top soil) đã bị đào xới hết để xây dựng nhà cửa và trồng những loại cây theo dự tính của con người qua hàng trăm, ngàn đời. Sinh vật trong đất ở đó nghèo nàn do không chịu được những chất hóa học, và lá cây rụng xuống thì con người lại vội quét đi… Thật mỉa mai khi chúng ta tước đi bản chất sống của đất rồi sau đó lại phải thêm vào ngày càng nhiều các loại phân, thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật… khiến cây trở nên phụ thuộc vào “thực phẩm chức năng”. Hãy tưởng tượng một người mà cả đời không thể sống thiếu thuốc, thì bạn cũng có thể hình dung ra được sức khỏe của Đất Mẹ đã bị tổn hại đến như thế nào.
Đất mất sức đề kháng nhờ “bánh xe nông nghiệp”. Photo: Dylan de Jonge – Unsplash.
Con người tới và đẩy rừng ra thật xa. Photo: Johannes Plenio – Unsplash.
Đất tự nhiên và cây nhà
“Đất tự nhiên tuyệt vời như thế, tại sao không đóng bao đất ở rừng về mà trồng cây cho khỏe?”
Để giải quyết câu hỏi này, mình sẽ giúp bạn phân tích dưới nhiều góc độ khác nhau.
Nhìn dưới góc độ lí-hóa, cấu trúc thô cơ bản của tất cả các loại đất tự nhiên (dù tỉ lệ khác nhau ở từng vùng địa lý) thì đều có ba loại hạt theo thứ tự từ nhỏ đến lớn là sét – bùn – cát. Hạt cát bé nhỏ là vậy nhưng ở quy mô của đất thì nó lại là loại hạt lớn nhất mà mắt thường nhìn thấy được. Hạt cát trơ và đặc, do vậy nước và chất dinh dưỡng chảy qua hạt cát mà không bị giữ lại. Sét là loại hạt nhỏ nhất và có tính tích điện, do đó nó hút-ngậm các phân tử nước và dinh dưỡng nhiều nhất. Sự hòa trộn với tỉ lệ hợp lý các loại hạt này hé lộ bí mật của những vùng cây cối trù phú.
Nếu đã hiểu về điều mình chia sẻ về đất như một mối quan hệ – một thực thể sống, thì giây phút bạn trồng cây bằng đất tự nhiên vào chậu và mang vào nhà, đất đã không còn “sống” nữa. Không có lũ giun đất hăng hái đào xới và tẩm bổ cho đất bằng phân của chúng. Không có những khoảng trống để những dưỡng khí như O2 có thể len lỏi vào cấu trúc bên trong. Không có lớp mùn phủ hữu cơ được bồi đắp liên tục… Kết quả là những hạt sét (thành phần chiếm tỉ lệ rất lớn trong đất thịt) sẽ dần dần dính chặt vào với nhau và trở nên “cằn” theo thời gian. Khối đất này khi tưới vào sẽ giữ nước lại rất lâu, nhưng khi đã khô thì trở nên cứng queo như sỏi đá. Khi đất “chết” thì nó cũng thu hút nhiều loại vi sinh vật, nấm mốc có hại thích lợi dụng sự bí bách và ẩm thấp để tấn công vào rễ. Chưa kể, các loại trứng côn trùng và hạt cỏ dại chưa được xử lý có sẵn trong đất sẽ tha hồ tranh chấp nguồn tài nguyên giới hạn trong chậu…
Đứng từ góc độ người chăm cây, việc dùng đất tự nhiên để chăm cây nhà đã làm tăng độ khó của công việc tưới cây lên gấp nhiều lần. Vì sao vậy?
Có lẽ bạn cũng từng nghe qua khái niệm “ngủ đông” của sinh vật – tức là việc giảm thiểu hoặc ngưng hẳn hoạt động khi gặp điều kiện môi trường bất lợi để tiết kiệm năng lượng. Ví dụ như: gấu trắng ngủ đông khi mùa đông băng giá; sóc ngủ đông khi hạn hán; hoặc một vài loại cây như bằng lăng, hoa gạo, bàng lá đỏ giảm lượng “con cháu” phải nuôi bằng cách rụng hết lá vào mùa thu… Vậy thì việc mang cây từ nơi khác về nhà, có thể là từ vườn ươm, shop cây, hay thậm chí từ ngoài vườn nhà bạn vào trồng trong chậu rồi để trong nhà, cũng đã là một dạng “biến đổi khí hậu” và có thể khiến cây “ngủ đông”. Nói theo từ ngữ chuyên môn nó chính xác là biến đổi vi khí hậu (micro-climate). Điều kiện ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, sự lưu thông không khí… đã hoàn toàn thay đổi và đa phần là theo hướng nghèo nàn hơn. Khi đã giảm hoạt động, cây sẽ gần như chẳng cần dùng tới nước. Lúc này một cấu trúc đất giữ nước quá lâu sẽ khiến lượng nước bạn tưới vào, dù là cực nhỏ, cũng có thể gây nên vấn đề lớn cho cây.
Đất tự nhiên chỉ nên sử dụng ngoài tự nhiên. Photo: Martin Kníže
– Unsplash.
Tại sao giá thể trộn sẵn chưa “xịn”?
Bạn đã từng tìm mua các bao đất được quảng cáo một cách mơ hồ là đất “dinh dưỡng” – đất “sạch” – “chuyên dụng” “trồng hoa và cây cảnh”… bao giờ chưa?
Tương tự với đất tự nhiên, đất/giá thể trồng của các loại cây cảnh mà bạn mua ở bất kì đâu không phải là không tốt hay kém chất lượng, mà bởi vì loại đất đó chỉ phù hợp khi đặt trong chuỗi-điều-kiện của nó, đó là điều kiện chăm sóc công nghiệp tại vườn ươm – vốn khác hoàn toàn so với điều kiện chăm sóc tại nhà của bạn. Chẳng hạn vườn NOTH đánh giá rất cao loại đất được trộn từ đất sét, trấu tươi và phân lá tự ủ từ các vườn ươm Sadec. Loại đất này có cấu trúc tốt, và đặc biệt là khi gỡ đất ra để kiểm tra rễ, chúng mình bắt gặp rất nhiều chú/cô giun đất béo tròn đang chăm chỉ làm công việc tuyệt vời của mình. Tuy nhiên loại đất này chỉ “sạch” và hiệu quả khi trồng cây ở ngoài trời do chứa quá nhiều thành phần hữu cơ đang phân hủy. Chúng có thể làm ngạt rễ cây và tạo nên một số mùi khó chịu khi đem vào môi trường kín trong nhà. “Thế giới yêu thích của tôi là ở ngoài kia chứ không phải trong chậu” – đó là điều mình cứ hay lẩm nhẩm trong đầu khi tưởng tượng mình là một chú giun đất.
Các vườn ươm bù đắp khiếm khuyết của đất bằng đủ loại phân-thuốc. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Thêm nữa, vì áp lực của thị trường mà giá thể trồng công nghiệp hầu hết sẽ được thêm vào nhiều thành phần kích thích tăng trưởng như hormone kích rễ, kích chồi, thuốc sâu, thuốc bảo vệ thực vật… Mình đã từng choáng khi mở những thùng cây chuyển thẳng từ Trung Quốc về với mùi hóa chất nồng nặc. Nếu như bạn mua cây vào những ngày cận Tết khi nhu cầu mua sắm tăng vọt, một vài loại cây thậm chí còn có hình dáng vặn vẹo, phình to một cách bất thường… do đủ loại phân-thuốc được thêm vào trong đất. Nhiều người làm vườn lâu năm cũng từng khuyến cáo chúng mình nên đeo găng tay cao su khi thay đất cho cây từ một số vườn ươm để những chất đó không tiếp xúc trực tiếp với da tay. Lời khuyên đó thực sự khiến mình phải suy nghĩ. Thực chất thì mình đang phải đeo găng tay để tránh cái gì vậy?
Bài toán cơ bản của kinh doanh chính là “Làm thế nào để chi phí rẻ nhất nhưng sản xuất được nhiều cây nhất, trong thời gian ngắn nhất và với ngoại hình đẹp nhất”.
Thế nhưng, khi đã tự tay nhân giống, chăm cây từ tấm bé, trải qua từng giai đoạn sinh trưởng của của nó cho tới khi cây có thể gọi là đem bán được, chúng mình mới hiểu được điều mà người nông dân phải đối mặt bấy lâu: Một cuộc chạy Marathon không ngừng nghỉ. Thời tiết cực đoan, dịch bệnh… có thể biến khu vườn thành một vụ mùa “thất thu” chỉ trong chớp mắt. Không phải ai cũng xây được nhà kính để kiểm soát mọi điều kiện, vậy nên phân – thuốc các loại chính là cứu cánh cho những giống cây đã thoái hóa và mất đi sức đề kháng tự thân. Đó là những trải nghiệm thật của chúng mình, những người trẻ bước vào nghề cây cảnh ở giai đoạn mà mọi thứ đã có công thức fixed cứng. Rầy nâu thì dùng thuốc này, rệp thì phun thuốc kia, cây mà còi thì phải bón phân nọ để bắt nó phải đẻ thật nhiều, phải thật to, thật đẹp… Tất cả những thứ đó đất lãnh đủ. Nếu giá thể chỉ được coi là công cụ để “truyền thuốc” cho cây thì chưa thể gọi là “xịn” được.
Vậy thế nào mới là giá thể “xịn”?
“Khí quyển” của cây – cụm từ mà mình đã nhắc tới ở đầu bài, chính là để nói tới tất cả những điều kiện xung quanh luôn biến hóa mà trong đó đất-giá thể là một mắt xích. Khi một yếu tố thay đổi, các yếu tố khác cũng cần phải điều chỉnh theo. Một mặt, đất tự nhiên đã mất đi vai trò làm “giá đỡ” cho rễ cây, nó giống như một khối bê tông giam hãm, bóp nghẹt sự sống của cây một cách từ từ. Mặt khác, trông chờ vào đất “xịn” từ các vườn ươm quả là một việc hên xui. Vì thế mà kể từ khi phong trào cây nhà (house-plant) nở rộ, đã rất nhiều người tự xây dựng cho mình công thức trộn đất riêng để sử dụng thay cho đất mua từ vườn ươm trở về. Nông dân vườn NOTH cũng nằm trong số đó.
Chúng mình bắt đầu từ câu hỏi: Làm thế nào để tạo nên nền tảng tốt cho cây nhà tự phát triển mà không tốn nhiều công chăm sóc?
Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Kết quả là vườn đã chốt những “tố chất” cần đạt của giá thể “xịn” thế này:
- Cấu trúc tơi xốp, tạo khoảng trống cho dưỡng khí lưu thông.
- Có đồng thời hai khả năng: giữ nước và thoát nước.
- Dễ dàng kiểm soát dinh dưỡng và hoạt động của hệ vi sinh vật.
- Các thành phần trong giá thể được xử lý “sạch”. An toàn cho con người và vật nuôi.
Những tiêu chí trên nghe có vẻ đơn giản, nhưng nó giải quyết được vấn đề cơ bản nhất khi trồng cây trong nhà, đó là tạo ra tỉ lệ cân bằng giữa Nước (H2O) và Oxy (O2) ở trong chậu cây. Khi được dịch ra theo ngôn ngữ thông dụng chính là kiểm soát được việc thiếu nước và thừa nước.
- Thừa nước là khi thừa H2O thiếu O2. Rễ hút nước một cách thụ động và chẳng có cái van nào để đóng lại ngăn cho nước xâm nhập cả. Vậy nên khi thừa nước thì nó bị ứ ngạt không thở nổi, thành tế bào vỡ ra, trở thành vết thương hở. Rễ không vui vẻ đã đành, nhưng tụi vi khuẩn, nấm mốc kị khí thì yêu thích môi trường thiếu O2 này vô cùng. Chúng tha hồ sinh sôi tạo thành những vết nâu/đen nhầy nhụa đi theo mạch nước phân tán khắp trong cây, chỗ nào chúng tập trung thì giao thông đường thủy sẽ tắc nghẽn. Bạn hỏi tại sao tưới nhiều ngọn cây vẫn ẻo lả thì đây là câu trả lời. Rễ ngập trong nước nhưng không hề hút được nước để đẩy lên ngọn. Đó chính là khi chúng ta có hiện tượng thối rễ (root rot) – cơn ác mộng và án tử của biết bao cây nhà.
- Thiếu nước là khi thiếu H2O, có thể thừa hoặc thiếu O2. Đây là khi đất có quá nhiều hạt nhỏ dính chặt lấy nhau mà không đủ khoang trống (thiếu O2); hoặc có quá nhiều khoang trống mà thiếu mất chất giữ nước (thừa O2). Kịch bản đầu tiên thường xảy ra khi: đất sử dụng quá lâu đã bị phân rã nhỏ mãi, đất chứa quá nhiều dinh dưỡng, hoặc đất chứa quá nhiều hạt sét như đất thịt. Kịch bản thứ hai có thể khi chậu cây trồng quá lâu đã kín rễ, hoặc khi tính toán sai lúc trộn đất… Dù là kịch bản nào, rễ cũng sẽ bị tổn thương do không hoặc tiếp cận rất ít với nước.
- Tỉ lệ cân bằng giữa H2O và O2 là khi thể tích của Giá thể:H2O:O2 xấp xỉ 1:1:1. Khi rễ cần nước, nó vươn tỏa tới những hạt giữ nước. Luôn có khoảng trống để dễ dàng tiếp cận O2. Rễ ở thế chủ động, có thể phát triển dày và khỏe mạnh.
Việc cây bị thiếu nước hay thừa nước hoàn toàn khác với việc tưới quá ít hay tưới quá nhiều. Không phải cứ tưới ít thì tránh được úng và tưới nhiều thì tránh được khô. Vấn đề ở đây không phải lượng nước mỗi lần tưới mà là thời gian nước ở lại trong đất. Với giá thể “xịn”, dù bạn có tưới nhiều nước tới mức nào thì tỉ lệ cân bằng giữa H2O và O2 vẫn sẽ được giữ vững trong một thời gian vừa đủ.
Trọng tâm của loại đất “xịn” phải là hỗ trợ cho bộ rễ – nền móng của cây nhà khả năng tự lực sinh trưởng thay vì phải sử dụng tới thuốc. Vậy nên, dù có nghĩ ra bao nhiêu công thức trộn đất hay thử nghiệm bao nhiêu loại nguyên liệu mới nổi, NOTH vẫn luôn trung thành với những tiêu chí mà vườn đặt ra từ những ngày đầu.
Thay đất-giá thể “xịn” cho cây là bước đi đầu tiên của bất cứ ai có mong ước chăm cây nhà một cách nghiêm túc, hay thậm chí là tự tạo ra một khu rừng ngay tại nhà cho riêng mình. Không dài dòng nữa, có lẽ bạn sẽ hiểu những điều mình nói sau khi thực sự bắt tay vào trộn đất và trải nghiệm việc chăm cây nhà thật đơn giản. Để bạn có một khởi đầu thuận lợi nhất, NOTH dành tặng bạn công thức tự trộn 2 loại đất thông dụng cho 2 dòng cây chính. Chúc bạn thành công!
- Soilmix 01: Hỗn hợp đất dành cho cây lá trong nhà
- Soilmix 02: Hỗn hợp đất trồng Sen đá, Xương rồng và các loại cây mọng nước
Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
- Cơ bản về ánh sáng
- Vì sao phải thay đất?
- Cách trộn giá thể đất cho cây nhà
- Cách tưới nước cho cây nhà
- WDH – Công cụ hỗ trợ tưới nước
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung
Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên