Cách tưới nước cho cây nhà (house-plant)
Những yếu tố nào quyết định tới việc tưới nước cho cây nhà(*)? NOTH sẽ cung cấp những insights cực chi tiết để bạn có thể bỏ ngay lịch tưới sang một bên và bắt đầu tưới cây một cách thật sự lí tính.
(*)”Cây nhà” (house-plant): Các loại cây được trồng vào trong chậu và đặt bên trong phạm vi tòa nhà (nơi sinh sống hoặc nơi giải trí, học tập, văn phòng làm việc…), không hoặc ít tiếp xúc trực tiếp với điều kiện thời tiết (mưa, nắng, gió)… như cây trồng ở ngoài trời. Cụm từ này sẽ được nhắc tới nhiều lần trong loạt bài của NOTH.
- Cơ bản về ánh sáng
- Vì sao phải thay đất?
- Cách trộn giá thể đất cho cây nhà
- Cách tưới nước cho cây nhà
- WDH – Công cụ hỗ trợ tưới nước
Cách tưới cây nhà
B1: Quyết định tưới/không tưới bằng cách kiểm tra tình trạng đất và các điều kiện tác động.
B2: Dựa vào điều kiện hiện thời để chọn 1 trong 3 cách tưới: Tưới ít – Tưới đủ – Tưới đẫm.
B3: Điều chỉnh các điều kiện khi cần.
Bước 1: Cách quyết định việc tưới nước
Sử dụng công cụ hỗ trợ quyết định tưới [WDH – Watering Decision Helper] được phát triển bởi NOTH Garden để thực hành ngay bài học này!
Nói ngắn gọn thì hãy chỉ tưới khi cây cần tới nước. Vậy nên thay vì hỏi “Bao lâu tưới một lần?”, hãy thay đổi câu hỏi một chút: “Làm sao để tôi biết rằng cây đang cần tới nước?”.
1.1 Đánh giá tình trạng cây – Cây thiếu, thừa hay đủ nước?
Cây thiếu nước
Cây cối, con người và hầu hết các sinh vật sống đều có thể coi là những “bong bóng nước”. Nước chiếm tới 70% khối lượng cơ thể người, ở cây nhà tỉ lệ này nằm trong khoảng 70-90%, tùy vào từng loại cây. Nhờ căng nước mà lũ cây có dáng đứng thẳng. Vì thế mà việc lá cây bị héo rũ xuống, mềm, nhăn, ngót; hoặc kém đàn hồi hơn, xuất hiện các vết nhăn đối với các loại cây mọng nước (succulents)… đó đều có thể là chỉ báo rằng lượng nước trong cây đang ở trong tình trạng cung không đủ cầu. Đặc biệt khi nắng gắt và nhiệt độ cao, phần lớn nước mà cây hút vào sẽ được dùng vào việc tự làm mát bằng việc bốc hơi qua bề mặt lá. Nếu trong chậu cây không đủ nước hoặc nước không kịp vận chuyển liên tục tới các nhà máy điều hòa này thì phần đầu lá có thể bị sức nóng mặt trời thiêu đốt dẫn tới bị bạc màu, khô nhăn, cháy xém. Khi héo do thiếu nước thì tùy loại cây mà chúng sẽ chuyển sang trạng thái giảm dần hoặc ngừng hoạt động, thậm chí còn không thể quang hợp. Một vài cây có biểu hiện lá già vàng và rụng, nó tự loại bỏ những lá già trước để dồn nước và dinh dưỡng cho lá non. Lúc này cây không chỉ cần, mà đang gào thét để được uống nước càng sớm càng tốt. Tưới đủ hoặc tưới đẫm trong trường hợp này để cấp cứu cho cây.
Lá rũ, viền lá có nhiều vết cháy xém.
Photo: StackExchange: user15308132 – CC BY-SA 4.0.
Lá bạc màu, có nhiều vết cháy.
Photo: StackExchange: user309043 – CC BY-SA 4.0.
Cây thừa nước
Héo do thiếu nước khác với héo do thừa nước. Điểm khác biệt ở chỗ bản chất của nước bên trong cây sẽ khác nhau. Thiếu nước lâu dài, thì nước ở bên trong cây vẫn là nước, nhưng sẽ chuyển từ trạng thái nước linh động (sol) sang trạng thái keo nước (gel/coaxecva). Gần giống như nước canh xương keo dẻo lại trong món thịt đông vậy. Khi ở dạng keo nước thì nó sẽ không thể chảy từ nơi này qua nơi khác nhanh chóng như nước linh động nữa. Cây có thể coi là đang tạm thời ở trong trạng thái slow-motion. Còn khi thừa nước, chất nước đã thay đổi và các tế bào thực sự bị tổn thương. Có các mức độ tổn thương khác nhau do thừa nước: từ việc đầu lá bị nâu, lá bị lấm chấm, xuất hiện các đốm nâu, ủng… cho tới biến màu và rụng. Nếu mang vào phòng thí nghiệm, bạn sẽ thấy ở đó là tụ điểm sinh sôi quá đà của vi sinh vật, nấm mốc… Vì thế mà vườn NOTH vẫn thường hay nói với bạn thiếu nước còn hơn là thừa nước. Bạn sẽ cần xử lý cây trước khi có thể tưới một cách bình thường trở lại.
Phần đầu lá bị ủng do thừa nước kết hợp với nấm. Photo: StackExchange: Sarah – CC BY-SA 4.0.
Đầu lá hóa nâu là hiện tượng rất thường gặp ở cây văn phòng.
Photo: StackExchange: Rolf ツ – CC BY-SA 4.0.
Vết nâu có thể lan dần từ ngoài vào trong thân.
Photo: StackExchange: JRG – CC BY-SA 4.0.
Đôi khi cây sẽ héo rũ làm bạn tưởng nhầm cây bị thiếu nước mà tưới thêm nhưng thật ra rễ cây đã bị ngạt và bị vô hiệu hóa khả năng hút nước. Đó là khi bạn nên khảo sát xem độ ẩm của đất có quá cao không và nếu có thể thì kiểm tra ngay rễ của chúng. Rễ bị hỏng thường đổi sang màu xám – nâu – đen, tùy thuộc vào màu nguyên thủy của rễ. Khi sờ có thể thấy nhớt, có mùi hôi, bóp vào thì bị mủn ra.
Rễ cây đã thối hết khiến lá teo lại vì thiếu nước. Photo: StackExchange: T Rio – CC BY-SA 4.0.
Biểu hiện rũ toàn bộ lá ban đầu rất dễ bị nhầm với thiếu nước.
Photo: StackExchange: gercha – CC BY-SA 4.0.
Nhưng khi nhìn kĩ sẽ thấy đầu lá bị đen ủng, biểu hiện của thừa nước gây thối rễ.
Photo: StackExchange: Marija Koteva – CC BY-SA 4.0.
Xác định thiếu nước hay thừa nước, trong nhiều trường hợp, sẽ cần phải khảo sát lịch sử cách bạn chăm sóc trong một thời gian dài. Nếu bạn thấy các biểu hiện quá khó giải thích, vậy thì không trừ trường hợp là cây đã trải qua cả giai đoạn thừa nước và thiếu nước giống như trường hợp phía dưới. Thậm chí có nhiều trường hợp chết úng ngay sau khi được cấp nước với mục đích là để cứu cây do thiếu nước lâu ngày quá. Những rủi ro này xảy ra phần nhiều là do giá thể đất của cây chưa phù hợp. Lúc này bạn có thể inbox với nông dân vườn NOTH về vấn đề mình gặp phải để được hỗ trợ kịp thời nhé.
Photo: StackExchange: Gergő Horváth – CC BY-SA 4.0.
Photo: StackExchange: Gergő Horváth – CC BY-SA 4.0.
Vậy còn với trường hợp khi cây trông vẫn bình thường, làm thế nào để biết nó đang cần thêm nước? Hãy quan sát và trả lời thêm các câu hỏi sau:
1.2 Đánh giá điều kiện ánh sáng – Cây có dùng nhiều tới nước trong ngày không?
Có một công thức đối với hầu hết các loại cây:
Cây tiếp xúc với đủ sáng => Ăn nhiều => Uống nhiều.
Với đa số cây lá (foliage house-plant), đủ sáng là điều kiện ánh sáng tự nhiên tán xạ/ánh sáng được lọc qua các lớp rèm, giếng trời… trong nhà do được mô phỏng khá giống với điều kiện ánh mặt trời được lọc qua các tán lá ngoài tự nhiên. Trong khi đó những cây mọng nước (succulent houseplant) như Sen đá, Xương rồng… hoặc những cây có lớp phấn bạc trên lá để tự vệ khỏi tia tử ngoại của mặt trời như Khuynh diệp, Cúc mốc…thì sẽ tăng cường hoạt động và cần uống nước nhiều khi có thật nhiều sáng chiếu trực tiếp vào cây. Tuy vậy vẫn có những ngoại lệ. Tìm hiểu khoảng Thiếu – Đủ – Thừa sáng đối với cây của bạn bằng cách quan sát, thử nghiệm hoặc hỏi vườn NOTH. Ánh sáng là điều kiện quan trọng số 1 khi cân nhắc xem cây có cần dùng thêm nước hay không. Để nói một cách đơn giản nhất thì:
- Cây sẽ dùng tới nước khi đủ sáng
- Rất ít hoặc không dùng tới nước khi thiếu sáng
- Cần cấp nước nhiều và kịp thời khi thừa sáng
Hầu hết cây nhà sống trong điều kiện ánh sáng khá thiếu thốn. Photo: loonyhiker – CC BY-NC-ND 2.0.
“Cây chỉ dùng tới nước khi có đủ ánh sáng” – Đây là một điều rất cơ bản nhưng không phải ai cũng biết. Có ánh sáng cây mới quang hợp. Có ánh sáng và nhiệt độ cây mới hút nhiều nước. Thế nhưng, đủ ánh sáng đối với người chưa chắc đã là đủ đối với cây(**). Theo bản năng tiền sử để tránh thú dữ và kiếm ăn trong môi trường tăm tối không có đèn điện như ngày nay, đôi mắt của chúng ta đã được tiến hóa để nhìn mọi thứ rõ ràng nhất có thể. Ví dụ như khi đi vào phòng tối, mắt sẽ tự điều chỉnh để nhìn rõ hơn sau một vài phút. Cái cây thì “nhìn” ánh sáng một cách trung thực không điều chỉnh, do đó một việc đơn giản như đánh giá ánh sáng như thế nào là đủ đối với cây nhà cũng là việc mà bạn cần phải tìm hiểu lại.
(**)Tham khảo bài viết “Cơ bản về ánh sáng khi chăm sóc cây nhà” để tìm hiểu về phân loại điều kiện ánh sáng trong nhà.
Kiểm tra bằng máy đo sáng là cách duy nhất để “nhìn” sáng dưới góc độ của một cái cây. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Điều này dẫn tới 1 lưu ý nữa: Chỉ nên tưới cây vào buổi sáng sớm, trước khi mặt trời lên đỉnh và cây đang ở trạng thái “thư giãn” nhất. Tưới lúc này để chuẩn bị cho cây có đủ nước trước buổi trưa nắng gắt – lúc mà cây đang gặp phải áp lực lớn nhất. Tưới buổi trưa cũng dễ làm cây bị sốc nhiệt. Còn chiều tối là thời điểm ít hoặc không có ánh sáng tự nhiên, hầu hết các loại cây sẽ không hoạt động nhiều nên không dùng đến nước. Nhất là khi bạn chăm cây trong phòng, độ ẩm cao và sự bí khí dễ sinh ra nấm mốc gây thối rễ.
1.3 Kiểm tra độ ẩm đất – Cây đã dùng hết nước từ lần tưới gần nhất chưa?
Cách kiểm tra đất đơn giản nhất là thọc 1-2 đốt ngón tay xuống lớp đất gần với bầu rễ của cây để kiểm tra độ ẩm. Chậu càng lớn thì ta cần chọc càng sâu hơn. Khác với mắt không phải một máy đo sáng đáng tin cho lắm, da tay là một ẩm kế tuyệt vời. Đôi khi da tay còn chuẩn hơn cả ẩm kế, đặc biệt khi đất chứa quá nhiều muối qua nhiều lần bón phân thì ẩm kế sẽ không còn chính xác nữa. Đất sẽ hơi man mát và có độ dính vào tay khi ẩm; khi khô thì tơi, vụn, nhẹ, và bạn có thể xoa sạch đất khỏi ngón tay rất dễ dàng. Trường hợp khi thời tiết lạnh và hanh khô kéo dài, rất nhiều bạn có thể tưới thiếu nước do không phân biệt được độ mát và độ ẩm của đất.
Kiểm tra độ ẩm đất bằng da tay là cách đơn giản và hiệu quả nhất đối với cây được trồng trong giá thể của NOTH. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Cách kiểm tra bằng xúc giác đặc biệt hiệu quả với cây được trồng bằng giá thể đất của NOTH, khi mà độ ẩm trong đất khá đồng nhất từ đáy chậu lên mặt đất. Nếu sử dụng các loại giá thể khác, bạn nên kiểm tra đất thật kĩ lưỡng từ trên bề mặt xuống tận dưới đáy chậu. Ngoài việc dùng tay chọc thẳng vào lỗ đáy chậu để sờ đất, bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như que gỗ dài không có lớp sơn phủ, ẩm kế hoặc soil sleuth. Nếu đã có nhiều trải nghiệm hơn và có sự so sánh độ ẩm đất với từng loại cây cụ thể, chỉ cần nhấc chậu lên là bạn có thể cảm nhận được chậu cây đã đủ nước hay chưa.
Kiểm tra độ ẩm bằng ẩm kế đôi khi không chính xác bằng da tay do không sử dụng được cho nhiều loại giá thể khác nhau. Tuy nhiên cũng đáng để thử. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Khi đã xác định được độ ẩm đất, bạn hãy đối chiếu với nhu cầu độ ẩm đích (TML – Target Moisture Level) của cây để đi đến quyết định tưới hay không và lượng nước tưới thế nào. TML ở đây có thể hiểu là trạng thái của đất cần đạt được trước khi cây cần tưới lần tiếp theo. Điều này thường hay bị bỏ qua nhưng lại khá quan trọng, đặc biệt khi bạn chăm khá nhiều loại cây khác hệ nhau ở trong nhà. Tuy rằng NOTH luôn khuyên bạn kiểm tra và tưới khi bề mặt đất khô với chiều sâu khoảng 1-2 đốt ngón tay, nhưng đó chỉ là một hướng dẫn nằm trong ngưỡng an toàn. Có những loại cây (điển hình như cây cẩm nhung) không nên bị bỏ khát cho tới khi đất khô hoàn toàn. Những lông hút ở rễ của nó sẽ luôn cần ở trong trạng thái hơi ẩm, nếu không chúng sẽ chết và rễ cần mọc lại lông hút mới để có thể hút được nước tiếp. Tưới những loại cây này khi đất mới chỉ hơi khô bề mặt. Ngược lại có những loại cây cần có khoảng thời gian nghỉ cho đất khô hoàn toàn giữa mỗi lần tưới, ngoài việc tránh làm thối rễ do nước đọng quá lâu, còn giúp kích thích rễ mọc nhanh nữa.
Nhóm cây | Đại diện | TML (*trong điều kiện đủ sáng) |
Cây mọng nước | Xương rồng, Sen đá, Móng rồng, Nha đam, Lưỡi hổ, Kim tiền, Trường sinh | Khô hoàn toàn |
Cây thân gỗ | Đa búp đỏ, Sung lá đàn, Hạnh phúc | Khô ít nhất 1/2 chiều cao chậu |
Cây lá | Dieffenbachia (Môn trường sinh), Aglaonema (Minh ti), Syngonium (Tróc), Cỏ nhện, Calathea (Đuôi công), Thường xuân | Khô bề mặt (1-2 đốt ngón tay) |
Cây thân thảo ưa ẩm | Cẩm nhung, Bướm đêm, Cỏ đồng tiền, các loại Dương xỉ | Hơi khô bề mặt |
Cây ưa độ ẩm cao | Dương xỉ Tóc thần vệ nữ | Hơi ẩm |
1.4 Kiểm tra sự lưu thông khí và độ ẩm không khí – Điều gì ảnh hưởng tới tốc độ dùng nước?
Thông thường chúng ra đã có thể quyết định được là nên tưới hay chưa khi khảo sát độ ẩm đất và lượng ánh sáng cây nhận được. Tuy nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt liên quan tới sự lưu thông khí và độ ẩm không khí. Những điều kiện này thường chỉ mang tính cộng hưởng nhưng sẽ có ảnh hưởng rõ rệt tới tốc độ hút nước của cây cũng như sự bốc hơi nước của đất khi tác động trong thời gian đủ dài.
Kể cả đối với các nông dân vườn NOTH vốn có điều kiện để thực hành và trải nghiệm việc tưới khá nhiều, đôi khi chúng mình vẫn “trở tay không kịp” với sự ẩm ương của thời tiết Hà Nội. Các cụ nói “trông trời trông đất trông mây” quả có lí. Khi chăm cây trong nhà, ta không chỉ trông trời trông đất, đôi khi còn phải trông cả quạt gió và máy điều hoà. Cân nhắc thêm những điều kiện sau để điều chỉnh lượng nước tưới nhiều/ít hơn cho cây:
– Trời nồm ẩm/Trời hanh khô – Mở cửa sổ/Đóng cửa sổ – Bật điều hòa/Không bật điều hòa – Bật quạt-thông gió/Không bật quạt-thiếu thông khí
…
*Tips cho bạn
Khảo sát bốn yếu tố trên thoạt nhìn có vẻ dài dòng. Tuy nhiên, nếu như bạn mua cây từ NOTH, điều đầu tiên chúng mình luôn hỏi trước khi tư vấn bất kì điều gì là bạn định đặt cây ở đâu trong nhà. Bởi vì nếu đã đặt cây ở một vị trí phù hợp với nó, đảm bảo điều kiện ánh sáng lí tưởng và các yếu tố khác khá ổn định, thì việc quyết định tưới cây sẽ rút gọn chỉ còn là: kiểm tra độ ẩm đất đạt TML thì tưới đủ (Cách tưới số 2 – xem Bước 2 bên dưới).
Trong trường hợp bạn là người mới và thấy mọi thứ vẫn quá khó, thì vườn NOTH đã chuẩn bị bí kíp xác định việc tưới dựa trên tất cả các yếu tố kể trên. Sử dụng bí kíp trên và giữ một “Nhật ký tưới cây” ghi chép lại ngày tháng, độ ẩm đất trước khi tưới, và lượng nước bạn đã tưới. Bằng việc điều chỉnh lượng nước tưới, bạn có thể điều chỉnh được thời gian giữa mỗi lần tưới và dần định hình được nhu cầu và tốc độ hút nước của cây. Sau vài lần tưới như vậy bạn sẽ có thể tự tìm ra được một lịch tưới “xịn” phù hợp với cây, với bạn và với điều kiện đặc thù ở trong nhà của mình.
Bước 2: Các cách tưới cây
2.1 Các cách tưới
- Tưới ít (rót 1 chút nước hoặc xịt phun sương một lúc cho nước ngấm vào bề mặt đất)
- Tưới vừa đủ (rót nước quanh gốc cây đến khi nước thoát khỏi lỗ đáy chậu thì dừng lại)
- Tưới đẫm (rót nước quanh gốc cây đến khi nước thoát khỏi đáy chậu vẫn chưa dừng lại, hoặc tưới ngấm 3/4 chậu trong 1-2 phút)
Vườn sẽ tổng hợp thao tác tưới thành video hướng dẫn trong thời gian sớm nhất.
2.2 Lưu ý khi tưới
Tưới chậm mà chắc. Bạn nên rót nước đều tay quanh gốc cây thay vì đổ nước quá nhanh. Có thể dừng khoảng vài giây trước mỗi lượt rót nước và lặp lại vài lần như vậy. Giá thể đất giống như những miếng bọt biển li ti, cần thời gian để hút và ngấm nước. Nếu tưới nhanh quá, nước sẽ theo quy luật trọng lực để tìm đường xuống đất càng nhanh càng tốt, dòng nước bị chảy ra phía mép chậu và nhanh chóng chảy ra lỗ dưới đáy trong khi chưa kịp len lỏi vào nơi rễ tập trung nhiều nhất.
Tránh tưới nước máy. Nếu có điều kiện, nên tưới toàn bộ cây bằng nước lọc ở nhiệt độ phòng. Tốt nhất là nước lọc RO. Đặc biệt các dòng cây như Đuôi công (Calathea) hoặc Dương Xỉ dễ dàng bị cháy viền lá nếu như tiếp xúc với Clo/Cloramine và kim loại nặng có chứa trong nước máy. Có thể bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng clo từng được dùng trong Thế chiến thứ nhất như một vũ khí hóa học có thể giết chết bạn trong vài phút khi sử dụng ở nồng độ cao. Clo dưới mọi hình thức có thể kìm hãm sự phát triển bình thường của rễ cây, gây hại hoặc tiêu diệt hoàn toàn nấm và các vi khuẩn có lợi cho bộ rễ. Cũng không nên tưới các loại nước khác như nước chè, nước vo gạo vì có thể làm cây bị sốc do quá nhiều dinh dưỡng và dễ thu hút vi khuẩn, nấm mốc khi để cây ở trong nhà.
Tưới rót vào rễ chứ không phải phun sương lên lá. Bộ rễ dưới đất là nơi hút nước chính. Khi xịt phun sương thì lượng nước thực tế ngấm được vào đất cũng quá ít và thường sẽ bốc hơi hết trước khi kịp ngấm vào rễ. Đối với cây lá, có thể kết hợp tưới phun sương để tăng độ ẩm không khí và để làm sạch lá tốt cho quang hợp, còn với cây mọng nước thì không nên để nước đọng lại trên kẽ lá vì có thể gây thối lá. Để tưới các loại cây mọng nước, tốt nhất nên dùng bình tưới chuyên dụng có vòi nhỏ để dễ dàng điều chỉnh dòng nước vào đúng phần rễ bên dưới gốc cây.
Đã tưới là phải rót thẳng nước vào gốc cây. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Bạn cũng có thể “hack” để tưới nhanh mà vẫn chắc bằng cách dùng bình tưới có thể điều chỉnh được chế độ phun. Nước sẽ ngấm dần đều vào đất bằng những tia nhỏ cho tới lớn dần. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Sử dụng công cụ hỗ trợ quyết định tưới [WDH – Watering Decision Helper] được phát triển bởi NOTH Garden để thực hành ngay bài học này!
Bước 3: Điều chỉnh các điều kiện gốc
Khi thấy việc tưới chưa hiệu quả, hãy thử điều chỉnh 1 chút các điều kiện sống của cây. Ví dụ như sau:
Trường hợp 1: Đất khô quá nhanh. Cây dễ bị cháy, héo.
- Kiểm tra xem có phải cây đang bị đặt ở nơi thừa sáng không. Đặt cây vào nơi kín gió, mát mẻ và bớt nắng hơn.
- Kiểm tra xem rễ cây đã kín chậu chưa. Khi chậu đã kín rễ, cây đơn giản là sẽ dùng hết chỗ nước bạn cung cấp và bạn cảm tưởng là tưới bao nhiêu vẫn không đủ. Lúc này nên thay cây sang chậu lớn hơn để có thể thêm chỗ trữ nước cho cây dùng dần (bằng giá thể đất mới bao quanh và lót dưới đáy bầu rễ cũ).
- Bố trí cây gần nhau theo nhóm. Ví dụ các dòng Calathea (Đuôi công) và Fern (Dương xỉ) là những sinh vật ưa sống đông đúc, ghét sự trơ trọi vì vậy mà nên được xếp đặt gần cạnh nhau. Độ ẩm sẽ được khóa lại trong các tán lá và chia sẻ cho tất cả các thành viên trong nhóm.
- Thử phủ bổi (dùng trấu/dớn/vỏ thông… phủ quanh gốc cây) để tránh việc nước bốc hơi quá nhiều qua bề mặt đất. Cách dùng dớn để phủ bổi đặc biệt hiệu quả đối với các dòng cây ưa độ ẩm thường xuyên như Dương xỉ.
- Thay sang loại giá thể có nhiều thành phần giữ ẩm hơn như mùn dừa/peatmoss/dớn.
Trấu hun – Rice husk. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Dớn – Sphagnum moss. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Vỏ thông – Pine bark. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Đuôi công – Calatheas được xếp theo nhóm để khóa ẩm. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Trường hợp 2: Khi đất quá lâu khô. Cây có nguy cơ hoặc đã bị úng.
- Kiểm tra xem có phải chỗ để cây thiếu sáng hoặc quá bí không. Dịch chuyển cây sang nơi ở mới lí tưởng hơn. Đối với những loại cây mọng nước hoặc cây sống trong điều kiện văn phòng chỉ có ánh sáng đèn trên cao, thử áp dụng chỉ tưới cây mỗi khi mang cây ra ngoài và được tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Tưới xong đợi đất khô ráo bớt mới mang vào trong nhà. Lưu ý đối với cây lá thì nên tránh nắng gắt, còn cây mọng nước thì chịu nắng tốt hơn nên có thể để cây bên ngoài khoảng 1-2 ngày.
- Thử chuyển cây sang trồng vào các chất liệu chậu có khả năng thấm bớt nước ra bề mặt chậu như Đất nung (Terracotta), Xi măng, Gốm không tráng men…
- Thay giá thể thoáng hơn cho cây. Hầu hết các loại giá thể từ các vườn ươm-shop bán cây quá bí cho rễ khi sống ở điều kiện trong nhà. Đôi khi kiểm tra bề mặt đất đã khô nhưng đáy chậu vẫn chưa khô, tưới tiếp rất dễ làm nghẹt thở bộ rễ và làm thối rễ. Việc tưới thừa nước (Over-Watering) thực ra không phải do tưới quá nhiều nước, mà là nước bị giữ trong đất quá lâu. Thay sang giá thể xịn thì trong đất luôn có những khoảng trống để rễ thở, thiết lập tỉ lệ cân bằng giữa lượng H2O và O2 trong đất giúp rễ cây hoạt động bình thường.
- Cải tạo cấu trúc đất. Sau nhiều lần tưới đất sẽ có xu hướng bị ép chặt lại. Do đó sau vài lần tưới có thể dùng que nhỏ có đầu nhọn để chọc các lỗ thoáng khí xung quanh bầu rễ, giúp cải tạo và làm thông thoáng cấu trúc đất. Lưu ý chọc khéo léo tránh làm đứt rễ cây.
Chọc lỗ thoáng cho đất. Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Cây Sen thơm trồng trong chậu đất nung.
Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Kết quả: Rễ phát triển tốt. Tưới không sợ úng.
Photo: NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0.
Tổng kết
Phew, quả là nhiều thông tin phải không các bạn? Nhưng điều này có lí do của nó. Nguyên tắc 80/20 (Nguyên tắc Pareto) nói rằng 80% kết quả đến từ 20% nỗ lực và cũng có thể áp dụng trong việc tưới cây. Thay vì cứ tưới máy móc theo lịch mà cây vẫn chết, bạn có thể bỏ ra nhiều công sức ban đầu để học cách cảm nhận khi nào thì cần tưới và cách để tưới sao cho hiệu quả.
Chúng ta vẫn thường ngưỡng mộ trí tuệ của ông cha. Ở thời mà không có những công nghệ hiện đại, máy móc như ngày nay, các cụ vẫn biết cách nhìn trời nhìn đất để biết trồng cây gì, chăm sóc ra làm sao để có thực phẩm và có cây chơi quanh năm. Thực ra chúng ta cũng có thể làm được như vậy nếu như kiên nhẫn quan sát và học cách mài giũa trực giác của mình, mà khả năng ấy có thể bắt đầu chỉ từ việc học cách tưới một cái cây nhỏ bé. Hi vọng bài viết có thể giúp được bạn thật nhiều trong hành trình phủ xanh không gian sống của mình. NOTH chúc bạn chăm cây thật tốt!
- Cơ bản về ánh sáng
- Vì sao phải thay đất?
- Cách trộn giá thể đất cho cây nhà
- Cách tưới nước cho cây nhà
- WDH – Công cụ hỗ trợ tưới nước
Tham khảo:
Ý tưởng về Target Moisture Level – Marlie Graves: https://www.quora.com/profile/Marlie-Graves
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung
Đây là một trang thư viện mở, nội dung bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm thực tế để chia sẻ với bạn, vì thế mọi thông tin có thể sẽ chưa chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhập nội dung cho bài viết (có thể thêm/chỉnh sửa) sao cho phù hợp với người đọc nhất. Vì vậy nếu bạn có mong muốn đánh giá hoặc đóng góp nội dung để chia sẻ kiến thức cùng sự hiểu biết cá nhân của mình có thể điền vào form phía dưới. NOTH Garden sẽ đảm bảo kiến thức mà bạn chia sẻ được lan tỏa với nhiều người hơn và bảo vệ tác quyền cho nội dung ấy theo đạo luật DMCA.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên