Cách “không” chăm Lưỡi hổ (Sansevieria)
Mình thường đùa với các bạn khách khi đến mua cây tại vườn NOTH là nếu chăm chết được Lưỡi hổ (Sansevieria) thì bạn hẳn phải có kĩ năng giết chóc.
- Giới thiệu chung
- Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
- Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
- Cách chăm sóc tổng quan
- 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
- Các vấn đề thường gặp
- Hỏi đáp/FAQ
Thực tế là Lưỡi hổ, cũng như hầu hết các loại cây khác, có khả năng sống như thể một cây bất tử nếu bạn biết chăm sóc đúng cách. Việc chăm sóc chính là để “bù đắp” cho những thứ mà điều kiện trong nhà không đáp ứng được như ngoài tự nhiên. Rất may là sự bù đắp này dành cho Lưỡi hổ không có gì cầu kì bởi Lưỡi hổ có khả năng thích nghi tốt với những điều kiện khác với nơi nó sinh ra rất nhiều. Trong hàng ngũ cây trồng trong nhà, Lưỡi hổ nằm đâu đó ở khoảng giữa của dòng cây mọng nước ưa khô và cây nhiệt đới ưa ẩm: ít tưới, ít sáng, ít chăm bón. Vì thế chỉ cần hiểu nhu cầu của Lưỡi hổ, bạn có thể “không” chăm mà cây vẫn xanh tốt.
1. Giá thể
Lưỡi hổ thường được trồng bằng các loại đất khô cằn, độ thoát nước tốt như đất thịt pha cát, đất nhiều đá sỏi, cũng có nhiều nơi trồng bằng đất thịt trộn trấu… Tuy nhiên khi trồng Lưỡi hổ trong nhà, các loại đất trên có thể đem lại vài rắc rối như lâu khô, tưới ra dễ làm bẩn nhà, hoặc thu hút nhiều loại nấm và vi sinh vật. Nếu như chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng các loại cây mọng nước trong nhà, tốt nhất bạn nên trồng Lưỡi hổ vào giá thể tốt, sạch, khả năng thoáng khí và thoát nước tốt, nhưng vẫn đảm bảo lượng dinh dưỡng căn bản.
Chiến lược chăm Lưỡi hổ của NOTH
Với loài cây dễ tính như Lưỡi hổ thì giá thể tốt đảm bảo đến 80% thành công cho việc chăm sóc. Vì vậy bạn có thể làm theo chiến lược của NOTH, đó là thay giá thể cho Lưỡi hổ ngay từ khi mang cây từ vườn ươm về nhà. Giá thể cũ thường là mùn dừa (hoặc đất thịt trộn trấu tươi) sẽ được rũ bớt hoặc rửa đi nếu cần thiết. Bọn mình sẽ kiểm tra tình trạng rễ và cắt tỉa nếu cần. Sau đó, để cây nơi thoáng cho rễ khô, rồi trồng lại vào giá thể dành riêng cho các dòng cây mọng nước (Succulents). Cũng có thể kết hợp rải một chút thuốc tím/neem cake có tác dụng ngừa trị côn trùng lên bề mặt đất. Thường thì bọn mình không tưới ngay mà sẽ đợi cho đến khi cây có biểu hiện khát (lá hơi nhăn hoặc mềm) thì mới tưới, đồng thời quan sát sự căng nở trở lại của lá vì đó là dấu hiệu cho thấy rễ cây đã bắt đầu ổn định và có thể hút nước bình thường. Lặp lại quy trình tưới + quan sát khoảng 2-3 lần là đảm bảo cây đã quen đất, quen nhà, đủ yên tâm để trao đến tay các bạn.
2. Nước
Với khả năng trữ nước trong thân, Lưỡi hổ không cần (và không thích) tưới nước liên tục hàng ngày. Bạn có thể tưới nước cho cây 1 tuần/lần nếu thời tiết nắng nóng, 1 tháng/lần hoặc ít hơn nếu vào mùa đông. Nếu độ ẩm không khí cao như những đợt mưa kéo dài thì tuyệt đối không nên tưới vì rất dễ làm cây bị thối. Tuy nhiên đây chỉ là một công thức tạm gọi là “an toàn” để bạn dễ hình dung mà thôi.
Để đảm bảo cho Lưỡi hổ được sinh trưởng thuận lợi nhất, bạn nên tưới khi cây đang “khát”. Tức là khi (1)phía trên lá cây hơi mềm, rũ hoặc có nếp nhăn; và (2)phía dưới toàn bộ đất đã khô hoàn toàn. Bạn có thể dùng tay hoặc ẩm kế để kiểm tra độ ẩm của đất. Độ ẩm về zero (0) là khi đất sáng màu, vụn tơi và không dính tay như khi đất ẩm.
Hình minh họa bên dưới giúp bạn hình dung về trạng thái nhăn, rũ của Lưỡi hổ khi khát nước. Tuy nhiên, bạn không nên bỏ bê Lưỡi hổ quá lâu. Cây bị khát càng lâu ngày thì đòi hỏi thời gian hồi phục càng dài. Khi đó bạn nên tưới cho cây dần dần đến khi lá cứng lại trong vài ba ngày, đừng tưới quá nhiều cùng một lúc. Hãy kiên nhẫn với cây Lưỡi hổ của mình.
Cách tưới: Khi tưới Lưỡi hổ hay các dòng cây mọng nước nói chung có một lưu ý là tránh tưới và làm đọng nước lên lá cây và giữa cụm lá. Tốt nhất bạn nên sử dụng loại bình tưới có vòi nhỏ để kiểm soát được dòng chảy, giúp nước ngấm đều xung quanh đất khu vực sát gốc cây. Tưới chậm cho tới khi nước ngấm xuống 2/3 chậu hoặc có thể tưới cho đến khi nước thoát xuống lỗ đáy chậu. Nếu có khay giữ nước, bạn nên đổ lượng nước thừa trong khay ngay sau khi tưới xong. Bạn cũng có thể làm lỏng cấu trúc đất trước mỗi lần tưới bằng cách nhẹ nhàng chọc các lỗ khí quanh gốc cây bằng que nhỏ có đầu nhọn.
Loại và lượng nước: Nên dùng các loại nước tưới có độ pH trung bình 5,5-7 bao gồm nước mưa (nếu cây không để trong nhà), nước từ điều hòa, nước máy để lâu… hoặc an toàn nhất là nước lọc bằng máy lọc RO. Lượng nước tưới tăng giảm tùy theo điều kiện thời tiết hoặc cường độ sử dụng máy điều hòa trong nhà. Tốt nhất bạn nên tưới vào buổi sáng những ngày nắng ráo và kê cao chậu cây nơi thoáng mát. Nếu có thể thì hãy chọn chậu đất nung (Terra Cotta) để hút nước tốt hoặc chậu thủy tinh có lỗ thoát nước để quan sát được đất. Hãy tưởng tượng bạn đang cho cây Lưỡi hổ của mình “đi tắm”: nước phải ẩm hết toàn bộ bầu rễ và khi tắm xong được khô ráo chứ không bao giờ để ẩm ướt đến ngày hôm sau.
3. Ánh sáng
Trái ngược với suy nghĩ của bạn, Lưỡi hổ không phải loài ưa thích bóng tối. Chúng đơn giản là có khả năng “chịu đựng” tốt hơn nhiều so với các dòng cây khác do vậy có thể thích nghi tốt với điều kiện bóng râm. Vì vậy bạn nên đặt cây gần cửa sổ, nơi có ánh sáng tự nhiên và không quá nắng. Xoay chậu góc một phần tư hàng tuần để cây tiếp xúc đều với ánh sáng.
Nếu không gian không có ánh sáng tự nhiên, bạn có thể đem cây ra ngoài 1-2 lần/tuần vào những lúc trời khô ráo và kết hợp tưới luôn. Đừng quên rằng ánh sáng quyết định chủ yếu tới cường độ quang hợp, tới lượng nước mà cây sẽ sử dụng. Do vậy để nhàn hạ nhất, bạn có thể thiết lập thói quen chỉ tưới khi đủ sáng và tưới khi cây đang “khát” như mình đã đề cập ở trên.
Fact: Những loài Lưỡi hổ lùn được lai tạo giống như các loài có chữ ‘Hahnii’ ở cuối tên khoa học sẽ chịu nắng kém hơn những loài lá mọc cao, còn những loài lá càng xanh nhiều, không có viền vàng như loài Trifasciata nguyên bản thì càng có khả năng chịu được điều kiện ánh sáng yếu tốt hơn những loài đột biến nhiều màu sắc. Với điều kiện ánh sáng yếu thì những màu sắc sặc sỡ hoàn toàn có thể bị phai đi để nhường chỗ cho sắc tố xanh của diệp lục, giúp cây “bắt sáng” hiệu quả nhất có thể. Do đó việc chọn lựa màu sắc và hình dáng của cây cũng nên được tính đến. Việc chăm sóc của bạn có thể nhàn hạ hơn, chỉ với việc lựa chọn một “phiên bản” Lưỡi hổ ít bị biến đổi gen hơn.
4. Nhiệt độ
Có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới Tây Phi nên khả năng chịu nóng của Lưỡi hổ khá tốt. Nhiệt độ lý tưởng để cây phát triển mạnh mẽ là từ 18-35 độ C. Nếu nhiệt độ dưới 5 độ C và có băng tuyết thì cây sẽ chậm phát triển và có thể chết nếu kéo dài. Cây có thể bị thâm đen ở gốc trong khi đất vẫn khô. Đó chính là hiện tượng tương đương với bỏng lạnh-Frostbite ở người khi tiếp xúc với băng tuyết mà không có đồ bảo hộ. Hãy lưu ý điều này nếu như bạn sống ở khu vực ôn đới.
5. Dinh dưỡng
Lưỡi hổ không yêu cầu nhiều về dinh dưỡng và khả năng cây bị suy dinh dưỡng là cực kì hiếm hoi. Tuy nhiên nếu muốn bạn vẫn có thể bổ sung dinh dưỡng cho cây vào mùa xuân bằng các loại phân tan chậm, phân bón dạng nước pha loãng hơn 2-3 lần tỉ lệ trên bao bì. Lưỡi hổ không ưa phân bón có quá nhiều Nitơ vì có thể làm cháy rễ dẫn đến chết cây. Do đó bạn nên chọn các loại phân bón có tỉ lệ cân bằng chứ không nên dùng các loại phân chuyên dụng dành cho việc thúc cây ra hoa trái, hoặc các loại phân tự ủ như phân xanh, bã cà phê…
Để bổ sung dinh dưỡng một cách hiệu quả, bạn có thể thay chậu lớn hơn khi cây đã kín rễ thay vì bón phân. Mùa xuân và đầu hè là những thời điểm thích hợp để thay chậu cho Lưỡi hổ vì đó là lúc cây có nhu cầu sản sinh và khả năng phục hồi lớn nhất. Đôi khi cây kín rễ tới mức giữ nguyên hình bầu của chậu cũ vì không có nơi nào để mọc thêm. Đó là một dấu hiệu tốt. Khi bạn thay chậu, rễ có điều kiện được bung ra hút lấy nước và dinh dưỡng từ đất mới. Bạn vừa bổ sung dinh dưỡng cho cây, vừa kích thích bộ rễ phát triển mạnh hơn.
6. Cách nhân giống
Lưỡi hổ có thể được nhân giống bằng cách giâm lá, tách cây con và thậm chí là gieo hạt. Bạn có thể xem chi tiết hơn về cách nhân giống Lưỡi hổ qua bài viết: 3 cách nhân giống Lưỡi hổ (Sansevieria)
Còn điều gì nữa không?
Khi cây Lưỡi hổ của bạn bị úng nước chết, chắc chắn lí do không đơn giản chỉ là do bạn “hôm qua lỡ tay tưới hơi nhiều” mà có thể là bạn tưới khi đặt cây ở nơi ánh sáng yếu, tưới phun sương làm đọng nước lên lá quá lâu, trồng bằng đất thoát nước kém như đất thịt… cũng có thể do chậu trồng bằng chất liệu không thông thoáng và thậm chí cũng có cả trường hợp chậu không có lỗ thoát nước nữa(!)
Như mình đã đề cập trước đó, Lưỡi hổ là một dòng cây có tố chất siêu “chai lì”. Mọi vấn đề bạn gặp phải khi mới chăm cây thường sẽ do một “combo chết chóc” của các yếu tố giá thể-nước-ánh sáng-bệnh dịch… cùng kết hợp tạo thành. Lưỡi hổ chính là một loại cây điển hình cho việc “càng chăm càng chết”. Điều này không có nghĩa là dọa cho bạn không dám chăm cây, không dám tưới hay thêm phân bón cho cây. Thay vào đó, hãy nghĩ đến sự chuẩn bị tối đa (giá thể tốt, nơi để hợp lý, chậu trồng thoáng khí…) để cho việc duy trì (tưới nước, chăm bón…) là tối thiểu.
Loạt bài trong mục “Hồ sơ cây (Plant Profile)” được xây dựng dựa trên nghiên cứu và trải nghiệm thực tế của vườn NOTH. Bọn mình luôn cố gắng tiếp cận với việc chăm sóc cây theo cách toàn diện nhất. Các yếu tố như giá thể, cách tưới nước, nơi đặt để, chậu trồng,… đều được tính đến bởi vì chúng luôn tương tác hỗ trợ nhau. Nếu bạn gặp vấn đề trong quá trình chăm sóc, đừng ngại liên hệ với chúng mình nhé. Còn nếu bạn yêu thích Lưỡi hổ và có kiến thức muốn chia sẻ thêm, mục Đóng góp nội dung cuối bài là dành riêng cho bạn.
- Giới thiệu chung
- Câu chuyện về cái tên của Lưỡi hổ
- Nguồn gốc – Đặc tính – Ý nghĩa phong thủy
- Cách chăm sóc tổng quan
- 3 cách nhân giống Lưỡi hổ
- Các vấn đề thường gặp
- Hỏi đáp/FAQ
___
©2020 NOTH Garden – CC BY-NC-ND 4.0
Bạn được phép sao chép và phân phối nội dung này với điều kiện tuân thủ theo các Điều khoản về Ghi công-Phi Thương mại-Không phái sinh. Nội dung vi phạm có thể bị gỡ bỏ thông qua Đạo luật bản quyền thiên niên kỷ kỹ thuật số (DMCA) mà không cần báo trước. Xem chi tiết tại trang Điều khoản Sử dụng của chúng tôi.
▼ Đóng góp nội dung
Mọi thông tin trong bài viết này được đội ngũ NOTH Garden tự tìm hiểu, nghiên cứu và trải nghiệm. Nội dung trong bài sẽ không được đảm bảo là chính xác 100%. Chúng mình sẽ thường xuyên cập nhật nội dung bài viết (có thể thêm/sửa nội dung) sao cho phù hợp với người đọc nhất có thể. Vì vậy chúng mình mong muốn nhận được sự đóng góp và đánh giá lại mọi thông tin để bài viết ngày càng hoàn thiện hơn và người đọc có thể nhận được những thông tin ngày càng chất lượng hơn.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên