Thực sự không thích hình dáng của cây lưỡi hổ cho lắm, nó trông khá đơn giản, lại cứng và nhọn nữa, mình thích những cây có lá xanh, tán rộng, như vậy trông mát mẻ hơn, trong khi lưỡi hổ lại gợi cho mình cảm giác khá là khô cằn. Nhưng giờ khác rồi.
Cây Lưỡi hổ phối với chậu đất và chậu gỗ
Sau khi tìm hiểu nghiêm túc về cây Lưỡi hổ, thì điều làm mình ngạc nhiên nhất chính là ngoài việc có một sức sống mãnh liệt hiếm thấy, nó còn là cây mang lại lợi ích vô song (vừa giải độc, vừa lọc không khí) khi trồng trong nhà hay văn phòng trong khi việc chăm sóc lại cực đơn giản và dễ dàng.
Mình bị ấn tượng bởi khả năng xử lý chất độc đỉnh cao của nó và giờ mình thành thực khuyên bạn nên cân nhắc đặt một cây trong phòng ngủ. Giờ ta hãy thử tìm hiểu xem vì sao mình dành thời gian PR cho Lưỡi hổ như vậy nhé.
Thông tin chung và đầy đủ nhất về cây Lưỡi hổ
Lưỡi hổ là tên gọi phổ biến, ngoài ra bạn có thể gọi nó là Lưỡi cọp, Lưỡi hùm, Hổ vĩ mép vàng, Lưỡi mẹ vợ (mother-in-law’s tongue). Mặc dù tiếng Việt là vậy, nhưng tên tiếng Anh của lưỡi hổ lại là Snake plant (cây Rắn) vì hình thù của nó giống con rắn dựng đầu hơn là lưỡi con hổ.
Ở một số quốc gia, Lưỡi hổ còn được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau như Lan đuôi cọp (Trung Quốc), lưỡi gươm của Thánh George, thanh kiếm Pasha (Thổ Nhĩ Kỳ).
Tên khoa học của cây là Sansevieria Trifasciata, thuộc họ Măng tây và có nguồn gốc ở Nigeria (Châu Phi). Ở những nơi này thì lưỡi hổ là một nguyên liệu quan trọng dùng trong sản xuất gai dầu, bện các loại vật liệu thiết yếu dùng trong đời sống (dây thừng, rổ, giỏ) nhờ tính dẻo dai bền chắc.
Tại Trung Quốc, Nhật Bản và Brazil, người ta coi loại cây này là một kho báu, thế nhưng ở Úc, lưỡi hổ chỉ được xem như một dạng cỏ dại mà thôi.
Hãy nói một chút về đặc điểm nhận dạng Lưỡi hổ:
- Cây mọc thẳng đứng thành bụi, có thể cao đến 1,6m
- Lá lưỡi hổ cứng, nhọn ở đầu, thân lá mọng nước, bề mặt bóng, chủ yếu là màu xanh có pha một vài đốm trắng, 2 bên lá có viền màu vàng chạy dọc từ gốc tới ngọn.
- Lưỡi hổ có hoa, hoa gồm 6 cánh mềm, thuôn dài, màu trắng nhạt.
Hoa cây lưỡi hổ. Ảnh sưu tầm
Giờ đến phần quan trọng, giải thích vì sao cây này nhận được sự nể nang từ mình đây…
Lợi ích khi trồng cây lưỡi hổ trong nhà và công sở
Trước đến giờ mình cứ cảm giác phải là những cây có nhiều lá mới xử lý CO2 và thải O2 nhiều, mới mang lại bầu không gian thoải mái dễ thở, và dù biết ban đêm đa phần các loại cây đều thải CO2 nên được khuyên là không nên đặt trong phòng ngủ nhưng khi tìm hiểu về lưỡi hổ, rồi so sánh với hình dáng, vẻ ngoài của nó, mình bất ngờ không thể tả.
Chuyên gia thanh lọc không khí
Với hình dáng tương đối đơn giản nhưng lưỡi hổ lại là một chuyên gia thanh lọc không khí với khả năng xử lý các chất độc gây hại cho cơ thể con người như formaldehyde (một chất gây ung thư trong các sản phẩm vệ sinh, giấy toilet, khăn giấy hay các sản phẩm chăm sóc cá nhân), xylene, toluene và nitrogen oxit. Khả năng này đã được một nghiên cứu của NASA thực hiện vào những năm 90 xác nhận.
Các nơi như nhà máy sản xuất xe hơi, máy bay, gỗ dán, thảm trải, sản xuất sơn, máy in hay chốn văn phòng được khuyến cáo nên đặt lưỡi hổ xung quanh để giảm bớt tác động của các chất độc thải ra trong quá trình hoạt động.
Nên bố trí vài chậu cây lưỡi hổ ở nơi làm việc
SBS (Sick Building Syndrome) – triệu chứng thường thấy ở các toà nhà cao tầng (không phải hiệu ứng nhà kính) được mô tả là gây kích thích tai, mũi, cổ họng, làm ho, ngứa, đôi khi gây chóng mặt, mất tập trung, mệt mỏi, tệ hơn nữa là gây thắt ngực, mỏi cơ nhưng biến mất sau khi rời khỏi đó. Nên việc đặt cây lưỡi hổ ở những khu vực này cũng giảm bớt tác động của các nhân tố gây ra triệu chứng này.
Dồi dào Oxy khi đêm về
Trồng lưỡi hổ thì bạn hoàn toàn yên tâm đặt cây này trong phòng ngủ cả đêm! Như hồi đầu mình nói thì đa số các loài cây quang hợp thải Oxy vào ban ngày nhưng lại hấp thụ Oxy và nhả CO2 và ban đêm nên việc đặt trong phòng thì cực kỳ nguy hại, nhất là trong những phòng ngủ không có sự lưu thông không khí.
Nhưng với lưỡi hổ thì quá trình này có chút khác biệt, đêm về lưỡi hổ vẫn tiếp tục hấp thụ CO2 và nhả Oxy ra ngoài. Ô lạ nhỉ?
Cây lưỡi hổ thải oxy vào ban đêm nhờ cơ chế CAM
Điều này có được là nhờ CAM – Crassulacean Acid Metabolism, một cơ chế quang hợp đặc biệt chỉ có ở một số loài, cơ chế này bảo rằng cây sẽ mở các lỗ khí vào ban đêm để giảm thiểu việc mất nước, và việc này lại đòi hỏi phải có CO2 thì cây mới thực hiện được.
Trong quá trình diễn ra CAM, ngoài oxy, cây có giải phóng hơi ẩm ra ngoài không khí, và tiêu diệt các chất gây dị ứng. Vì đặc điểm này nên lưỡi hổ là cây lý tưởng để đặt trong phòng ngủ. Thường nếu phòng ít lưu thông không khí thì nên đặt chậu lưỡi hổ khoảng 6-8 lá.
Bạn thấy thế nào?
Vừa làm sạch, thải độc trong không khí, vừa sản xuất Oxy về đêm, liệu lưỡi hổ có xứng đáng với một vị trí trong ngôi nhà của bạn không?
Ngoài những lợi ích vượt trội này, lưỡi hổ còn tỏ ra anh tài trong một số công dụng đời sống khác. Chẳng hạn, nó được sử dụng trong Đông y, chữa viêm họng, ho, khản tiếng hoặc chữa viêm tai mưng mủ.
Việc trưng bày một chậu lưỡi hổ bên trong nhà cũng mang lại sự cải thiện cho không gian sinh hoạt, đặt ở vị trí thích hợp thì cây còn giúp nâng cao tinh thần, tăng hiệu quả làm việc.
Ở Châu Phi, cây lưỡi hổ còn được dùng trong sản xuất sợi, làm dược liệu hoặc được dùng chống lại bùa mê thuốc lú.
Ý nghĩa phong thuỷ cây lưỡi hổ là gì?
Bên cạnh những lợi ích to lớn phục vụ cho sức khoẻ, trồng cây lưỡi hổ còn mang lại ý nghĩa về mặt phong thuỷ.
Cây lưỡi hổ có ý nghĩa phong thuỷ đặc biệt
Cây có năng lượng phong thuỷ giúp bảo vệ bạn, chống lại khí xấu quanh nhà hay văn phòng, nhưng cần lưu ý vì năng lượng cây rất mạnh nên hãy để ở những vị trí ít người qua lại. Nếu đặt trong nhà, các góc Đông nam, Bắc, và Tây là những chỗ có phong thuỷ tốt nhất để đặt cây này.
Người ta tin rằng những ai trồng Lưỡi hổ sẽ được Bát tiên tặng cho 8 món quà, được gọi là Bát công đức thuỷ (8 phẩm hạnh tốt đẹp). Ở Trung Quốc, người ta đặt cây ở gần cửa ra vào để tỏ ý đón rước Bát công vào nhà.
Trong kinh doanh và trong cuộc sống thường ngày, lưỡi hổ là món quà thường xuyên nhằm gửi lời chúc tốt đẹp đến đối tác, bạn bè… mong đem lại may mắn tài lộc và rủ bỏ những điều xấu, hoặc như món quà biểu tượng cho sức mạnh cá nhân, rắn rỏi và không ngừng tiến lên.
Mệnh Kim và Thổ đặc biệt phù hợp trồng cây lưỡi hổ. Nếu trồng chậu thì 2 mệnh này nên chú ý như sau:
- Mệnh Kim: dùng chậu thuôn tròn, vuông, chữ nhật; tránh dùng chậu có góc nhọn hoặc uốn lượn kiểu cách.
- Mệnh Thổ: dùng chậu vuông, chữ nhật hoặc chậu có góc nhọn, chậu kim tự tháp; tránh dùng chậu có hình thuôn dài.
>>> Tuổi hợp và ý nghĩa phong thuỷ của cây Lưỡi hổ
Làm sao để mua được cây lưỡi hổ ưng ý
Việc cây lưỡi hổ có phát huy được những lợi ích nêu trên hay không còn tuỳ vào sự khoẻ mạnh của nó, cây quá yếu thì hẳn nhiên các chức năng lọc không khí hay thải Oxy cũng vì thế mà giảm sút, khí cây yếu cũng không mang lợi ích phong thuỷ như đã nói.
Vì vậy khi mua lưỡi hổ, bạn phải biết cách nhìn và chọn được những cây khoẻ mạnh nhất. Cây tốt có lá màu xanh đậm, bề mặt cứng chắc, viền vàng rõ nét. Lá cây màu nhợt quá thì coi chừng cây đang bị bệnh hoặc đang phải sinh trưởng trong điều kiện không ổn, mua về trồng sẽ tốn rất nhiều công phục hồi.
Tuy nhiên nếu đặt hàng trực tuyến mà nhận hàng mới biết cây có vẻ không đạt chuẩn trên thì đừng quá lo lắng. Bạn có thể liên hệ nơi bán để đổi lại cây khác hoặc có thể thử tài chăm sóc, xem cây có phục hồi và khoẻ mạnh được không. Cách chăm sóc cây lưỡi hổ thì mình có đề cập bên dưới.
Khi mua thì cũng cân nhắc số lượng nhé, nếu mua đặt trong phòng ngủ thì có thể chọn chậu nhỏ, để trên bàn làm việc hoặc góc phòng, phòng nhỏ thì mua cây nhỏ hoặc cây bình thường nhưng 3-4 lá, phòng to thì mua cỡ vừa, nhìn sao cho cân đối với diện tích phòng. Vị trí đặt cây thì theo những gợi ý phía trên, lưỡi hổ được cái hay là không chiếm nhiều diện tích.
Một lưu ý quan trọng ở đây là nhựa cây lưỡi hổ cũng có độc tính có thể gây nôn mửa, khó chịu, vì vậy tránh xa tầm tay của trẻ nhỏ hay thú nuôi trong nhà.
Hiện Vuoncayviet đang có một sản phẩm cây lưỡi hổ, bạn có thể xem và đặt hàng tại đây.
Một số hình ảnh cây Lưỡi hổ trong trang trí
Trồng lưỡi hổ trong chậu lớn, đặt đối diện ghế sofa. Ảnh: sưu tầm
Đặt một chậu lưỡi hổ trong chậu tròn lớn ngay bậc thềm. Ảnh sưu tầm
Làm sống động cho kệ sách bằng một chậu lưỡi hổ
… và một chậu lưỡi hổ cạnh cửa sổ
Chăm sóc cây lưỡi hổ đúng cách
Lưỡi hổ là cây có sức sống mãnh liệt, tồn tại được trong những môi trường không thuận lợi, vậy nên việc chăm sóc cây lưỡi hổ tương đối dễ dàng và không mất nhiều thời gian. Nhưng để cây luôn ở tình trạng tốt nhất, người trồng nên xác định sẽ cần đảm bảo các yếu tố căn bản để cây sinh trưởng và ra hoa (nếu có) đầy đủ.
Ánh sáng: lưỡi hổ khá nổi tiếng khi sống được với ánh sáng trực tiếp lẫn điều kiện ánh sáng yếu, vậy nên điều kiện sáng vừa đủ kèm một tí bóng râm thì trên cả tuyệt vời.
Nước: cực kỳ cẩn thận khi tưới nước nhé, cố gắng để đất không quá ướt, tưới nhiều nước có thể làm hư hại bộ rễ. Cây có thể sống hàng tuần mà không cần nước nên chỉ cần tưới vừa đủ trên bề mặt đất thôi, thường 2-3 tuần hãy tưới một lần, chờ đất ráo nước rồi hãy tưới, không cần vội. Khi tưới cũng chỉ tưới phần đất xung quanh, không tưới thẳng nước vào lá hoặc toàn thân cây.
Nhiệt độ: dù chịu nóng giỏi, nhưng cây sẽ sinh trường tốt nhất ở nhiệt độ 15-27 độ C, cũng cần chú ý nếu cây bị vàng lá (do lạnh) thì chuyển sang khu vực ấm hơn. Nói cách khác, lá chính là phong vũ biểu cho thấy tình trạng nước, quá nhiều nước cây sẽ rũ xuống, thiếu nước thì lá nhăn, trông héo úa.
Phân bón: có thể sử dụng các loại phân thông thường để bón cho cây lưỡi hổ.
Bệnh thường gặp: Tưới quá nhiều nước hay để ngoài trời lạnh thường là nguyên nhân chính của các bênh thường gặp ở cây lưỡi hổ, các loại côn trùng, sâu, nhện sẽ nhân cơ hội này để tấn công cây, hút nhựa làm xuất hiện các đốm trên lá. Có thể rửa sạch bằng cồn, lau sạch các bề mặt lá và tăng độ ẩm xung quanh cây.
Kết
Trái với hình dáng bên ngoài đơn giản, không xanh tươi hay xinh xắn như các loại cây cảnh để bàn thường thấy, Lưỡi hổ mang trong mình một khả năng sinh tồn phi thường kèm theo những lợi ích không nhỏ với con người trong điều kiện sống ồn ào, ô nhiễm không khí như hiện nay. Thực sự phải ngưỡng mộ loại cây này với khả năng thanh lọc không khí và cung cấp Oxy trong phòng ngủ.
Ngoài ra, cây còn mang lại các giá trị phong thuỷ nếu được trồng và đặt đúng hướng. Tuy nhiên trên hết, chọn và mua cây lưỡi hổ, cùng với việc chăm sóc đúng đắn mới là điều cốt lõi mà người trồng cần chú ý.
Ngoài Lưỡi Hổ, trên thị trường hiện nay còn rất nhiều cây cảnh mini đang được nhiều người quan tâm. Nếu bạn cũng đang tìm mua cây cảnh mini giá rẻ nhưng chưa biết lựa chọn thế nào thì có thể tham khảo ngay tại đây nhé: Mách bạn địa chỉ cung cấp sỉ cây cảnh mini uy tín, chất lượng
Xem thêm video về cây lưỡi hổ
[wpcc-iframe src=”https://www.youtube.com/embed/cwRMW_uU5fI” frameborder=”0″ width=”560″ height=”315″]
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên