Lưu ngay cách chăm sóc cây vạn niên thanh đơn giản tại nhà

PIN

Cây vạn niên thanh là loại cây cảnh vô cùng phổ biến ở nước ta và có tên khoa học là Dieffenbachia Amoena, thuộc họ Ráy (Araceae). Vạn niên thanh thuộc cây thân thảo có phần rễ chùm mập và ngắn. Cây có lá đơn và có hình trái xoan, phiến lá khá dày với mặt trên là màu xanh đậm và mặt dưới xanh nhạt hơn, ở giữa phiến lá có màu trắng và lan dần từ gân lá ra ngoài. Vạn niên thanh là cây sống lâu năm và ưa nước nên rất dễ trồng. Bạn có thể trồng vạn niên thanh trong đất hoặc trong nước đều được.

Các vấn đề thường gặp ở cây vạn niên thanh

Tuy là loại cây dễ trồng và sinh trưởng nhanh nhưng không phải ai cũng biết cách chăm sóc cây vạn niên thanh đúng cách. Chính vì điều này dễ khiến cây bị bệnh hoặc chết. Sau đây là nguyên nhân và cách xử lý các vấn đề thường gặp trên cây vạn niên thanh.

Cây vạn niên thanh bị vàng lá

Có nhiều nguyên nhân khiến cây vạn niên thanh bị vàng lá, nếu không chú ý chăm sóc có thể khiến lá rụng dần và dẫn đến chết cây. Bạn có thể quan sát và căn cứ vào các dấu hiệu trên cây để phán đoán và tìm biện pháp, cũng như loại thuốc thích hợp chữa cho cây. Sau đây là những nguyên nhân thường gặp khiến cây vạn niên thanh bị vàng lá và cách xử lý.

1. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do thiếu nước:

  • Nguyên nhân: số lần tưới nước cho cây quá ít nên không đủ lượng nước cho cây sinh trưởng. Hoặc đã tưới nước cho cây nhưng chỉ trên bề mặt lá, lượng nước không thể đến được phần rễ của cây, nhất là trong những ngày nắng nóng.

  • Cách xử lý: tưới đủ nước cho cây với tần suất từ 1-2 lần/ 1 tuần. Khi tưới nước nhớ tưới cả phần đất để rễ cây dễ dàng hấp thụ nước.

2. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do nước trong đất quá nhiều

  • Nguyên nhân: do tưới nước cho cây quá nhiều, trường hợp này thường xảy ra khi trồng cây trong chậu kín và khó thoát nước. Khi nước trong đất quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng thiếu oxy và dần dần khiến rễ cây bị thối. Lúc này cây cảnh thường có biểu hiện lá non nhạt và sau đó vàng lá.

  • Cách xử lý: nếu chẳng may tưới quá nhiều nước cho cây, bạn hãy xới đất cho cây được thoáng khí và lúc này nên hạn chế bón phân. Đồng thời, cũng nên lưu ý đến lượng nước tưới của cây để hạn chế xảy ra trường hợp này.

3. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do thiếu ánh sáng

  • Nguyên nhân: nhiều người nghĩ cách chăm sóc cây vạn niên thanh tốt nhất là nên để cây trong bóng râm vì đây là loại cây không ưa nắng. Tuy nhiên, nếu để cây thiếu sáng lâu ngày sẽ làm cây khó quang hợp, không những khiến lá không được xanh trở nên vàng úa mà còn khiến cây chậm phát triển.

  • Cách xử lý: hãy đem cây ra vị trí có đủ ánh sáng nhưng không được để nơi có ánh sáng trực tiếp.

4. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do thiếu phân bón

  • Nguyên nhân: lâu ngày không bón phân cho cây. Trong trường hợp này sẽ làm đất trồng thiếu dinh dưỡng khiến cành lá của cây thiếu sức sống và phần lá dần úa vàng.

  • Cách xử lý: hãy thay chậu, đất mới và chú ý bón phân định kỳ 3 tháng 1 lần cho cây.

5. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do bón quá nhiều phân

  • Nguyên nhân: lượng phân bón cho cây quá nhiều. Trong trường hợp này sẽ khiến cây bị bội thực phân bón, dẫn đến hiện tượng dịch tế bào chạy ra ngoài mép khiến phần lá bị vàng khô.

  • Cách xử lý: khi phát hiện cây được bón quá nhiều phân thì phải ngừng lại ngay. Sau đó hãy tưới thật nhiều nước để làm giảm nồng độ phân bón trong đất. Nếu cây vẫn không tốt hơn thì hãy thay đất mới cho cây.

6. Cây vạn niên thanh bị vàng lá do sâu bệnh

  • Nguyên nhân: cây vạn niên thanh bị sâu bệnh tấn công dẫn đến vàng lá, thường là loài rệp.

  • Cách xử lý: có thể mua thuốc diệt rệp và phun cho cây. Hoặc có thể lau lá thường xuyên bằng dung dịch xà phòng hoặc cồn. Có thể phun thuốc trừ sâu, tuy nhiên nên hạn chế vì có thể làm ảnh hưởng sức khỏe.

Cây vạn niên thanh bị thối thân, rễ

Khi thân và rễ cây vạn niên thanh mềm và nhão ở phần gốc thì khả năng cao cây đã bị bệnh thối thân và thối rễ.

  • Nguyên nhân: cây được tưới quá nhiều nước, độ ẩm quá nhiều, nhiệt độ của cây quá cao hoặc quá thấp.

  • Cách xử lý: trước tiên bạn hãy lấy cây ra khỏi chậu và loại bỏ tất cả phần đất. Sau đó, loại bỏ những khu vực nhiễm bệnh trên cây từ thân, rễ và cả phần lá. Lúc này, hãy sử dụng thuốc diệt nấm để điều trị cho cây. Nếu được hãy thay chậu mới cho cây, nếu không hãy vệ sinh chậu cũ trước khi cho đất mới vào. Giai đoạn này bạn hãy lưu ý đến phần đất nhiều hơn và nên để đất khô lại rồi hãy tưới nước. Đồng thời, bạn cũng nên giữ cho cây có điều kiện phát triển thích hợp.

Cách chăm sóc cây vạn niên thanh đơn giản tại nhà 

Cách chăm sóc cây vạn niên thanh tại nhà khá đơn giản. Trong đó, bạn hãy để tâm đến những yếu tố sau:

  • Ánh sáng: cây vạn niên thanh là loại cây không quá ưa sáng, do đó không nên đặt cây ở nơi có ánh sáng trực tiếp. Thế nhưng, môi trường bóng râm và thiếu sáng cũng không tốt để cây phát triển. Vì thế, hãy đặt cây ở những nơi có ánh sáng vừa phải hoặc ở trong phòng có ánh đèn.

  • Nước tưới: cây vạn niên thanh là loại cây ưa nước nhưng chỉ nên tưới cây với lượng nước vừa phải. Nên tưới cây khoảng 1-2 lần/ 1 tuần. Vào mùa đông nếu đặt cây trong phòng máy lạnh thì nên giảm lượng nước tưới.

  • Độ ẩm: vạn niên thanh là loại cây cần có độ ẩm cao, khoảng trên 50%.

  • Nhiệt độ: vạn niên thanh là loại cây thích môi trường ấm áp. Nhiệt độ thích hợp để cho cây sinh trưởng dao động từ 16-27 ° C.

  • Đất trồng và bón phân: để cây vạn niên thanh phát triển tốt thì loại đất thích hợp nhất cho cây là loại đất tơi xốp, có thể trộn đất với xơ dừa, trấu hay mùn cưa. Còn về phân bón nên bón định kỳ cho cây 3 tháng 1 lần.

  • Thay chậu cho cây: khi trồng cây vạn niên thanh trong chậu thì lượng dinh dưỡng chỉ đủ cung cấp cho cây trong khoảng 6-12 tháng. Do đó, sau khoảng thời gian này tốt nhất hãy thay chậu một lần để kịp thời bổ sung dinh dưỡng cho cây phát triển.

cây vạn niên thanh

Các lưu ý khi chăm sóc cây vạn niên thanh

Trong nhựa cây vạn niên thanh có chứa độc tố và hầu hết các bộ phận trên cây đều có nhựa. Do đó, khi trồng vạn niên thanh bạn nên chú ý khi chạm vào cây, nhất là khi cắt tỉa cảnh hay thay chậu mới cho cây.

Xem thêm  Top 10 loại cây trồng ban công chung cư có diện tích nhỏ

Nhựa cây vạn niên thanh khi tiếp xúc với da có thể gây dị ứng, nổi mẩn đỏ, ngứa ngáy,… Khi văng trúng mắt sẽ làm ngứa rát, hạn chế tầm nhìn, sưng đỏ, viêm giác mạc,… Còn chẳng may ăn phải sẽ làm cổ họng tê cóng, khó nói chuyện,… Thậm chí có thể khiến bạn không thể nói chuyện trong nhiều tuần nếu như chất độc trong cổ họng chưa hết.

Đặc biệt, nếu trong nhà có trẻ nhỏ hoặc thú nuôi thì nên chú ý vị trí đặt cây vạn niên thanh. Đã có nhiều trường hợp trẻ nhỏ và thú nuôi bị ngứa rát do hái lá vạn niên thanh chơi hoặc chẳng may ăn phải.

Đó là tất tần tật về cách chăm sóc cây vạn niên thanh đơn giản nhất tại nhà mà ai cũng có thể làm được. Hy vọng qua bài viết này bạn sẽ dễ dàng hơn trong việc chăm sóc cây vạn niên thanh.

Tác giả: Team Cleanipedia

Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter

Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.

Biên tập viên

Dũng Cá Xinh
Dũng Cá Xinh
Nông dân nghèo một vợ bốn con!
Bài mới nhất
Xem thêm  Liên tục cần tuyển Người Làm Vườn tại Hà Nội