Cảm lạnh là một bệnh lý phổ biến thường gặp hiện nay. Bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể mắc bệnh. Vậy bạn đã biết gì về bệnh cảm lạnh? Phải làm sao để có thể phòng ngừa căn bệnh này? Cùng Cleanipedia tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây bạn nhé!
Bệnh cảm lạnh là gì?
Cảm lạnh là một căn bệnh viêm đường hô hấp phổ biến hiện nay. Bệnh thường do người bệnh nhiễm các loại virus thuộc chủng Rhinovirus, hoặc Enterovirus. Thông thường, virus sẽ xâm nhập vào cơ thể người bệnh thông qua mắt, mũi, miệng hoặc thông qua các giọt bắn trong không khí khi người đứng gần bạn đang mắc bệnh ho hoặc hắt hơi.
Bệnh cảm lạnh thường xuất hiện khi thời tiết chuyển lạnh, trời mưa bởi khi nhiệt độ hạ thấp, các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn sẽ có cơ hội phát triển cao hơn. Ngoài ra, thời điểm giao mùa, khi thời tiết đột ngột thay đổi, có sự chênh lệch nhiệt độ lớn cũng là lúc bệnh cảm lạnh dễ xảy ra nhất.
Bên cạnh đó, một số yếu tố làm tăng khả năng mắc bệnh cảm lạnh gồm có:
- ✦
Hệ thống miễn dịch kém: người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, người đang mắc bệnh mãn tính sẽ có nguy cơ bị cảm lạnh cao hơn
- ✦
Tuổi tác: Người già và trẻ em dưới 6 tuổi là những đối tượng dễ bị bệnh cảm lạnh nhất
- ✦
Hút thuốc: Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, người hay hút thuốc hoặc thường xuyên tiếp xúc với khói thuốc lá cũng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn
Triệu chứng bệnh cảm lạnh
Để có thể xác định bạn có bị cảm lạnh hay không, bạn có thể tự quan sát thông qua một số triệu chứng như:
- ✦
Viêm họng, cổ họng đau rát, nói không thành tiếng
- ✦
Sổ mũi hoặc nghẹt mũi. Khi bị cảm lạnh, dịch mũi thường dày, có màu vàng hoặc màu xanh lá cây)
- ✦
Ho liên tục
- ✦
Nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt nhẹ
- ✦
Cơ thể đau nhức, uể oải
- ✦
Hắt xì liên tục
- ✦
Thấy đau ở các cơ, khớp
- ✦
Sốt nhẹ
- ✦
Ù tai, cảm thấy có áp lực trên mặt và bên trong lỗ tai
- ✦
Chảy nước mắt
- ✦
Mất vị giác
- ✦
Khó thở
- ✦
Sưng hạch bạch huyết
Ngoài ra, trong một số trường hợp, người mắc bệnh cảm lạnh lâu không khỏi còn có thể gặp các biến chứng nặng hơn như:
- ✦
Hen suyễn
- ✦
Viêm tai giữa (nhiễm trùng tai cấp tính)
- ✦
Viêm xoang cấp tính
- ✦
Nhiễm trùng thứ cấp khác
Bệnh cảm lạnh có lây không?
Đây chính là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm. Theo như các chuyên gia y tế, bệnh cảm lạnh có thể lây từ người này sang người khác qua đường hô hấp hoặc tiếp xúc với dịch tiết của người bệnh.
Một số trường hợp bạn có thể bị lây bệnh như:
- ✦
Bạn hít virus trong không khí khi bệnh nhân ho, hắt hơi, nói chuyện
- ✦
Bạn vô tình chạm tay vào các đồ vật mà virus đang bám lên trên bề mặt, Sau đó bạn đưa tay lên mắt, mũi hoặc miệng của mình.
Thông thường, bệnh cảm lạnh sẽ dễ lây nhất trong 2-3 ngày đầu tiên của bệnh. Tuy nhiên, đừng chủ quan bởi bệnh có thể lây cho đến khi người bệnh hết hoàn toàn các triệu chứng của bệnh đấy nhé!
Cách phòng ngừa bệnh cảm lạnh
Vì bệnh cảm lạnh có thể lây từ người sang người hoặc từ các đồ vật có virus bám trên bề mặt sang người nên bạn cần áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh để có thể giữ sức khỏe cho bản thân, gia đình và người thân của mình.
- ✦
Để phòng ngừa bệnh cảm lạnh, bạn nên chú ý giữ ấm cho cơ thể khi nhiệt độ chuyển thấp hoặc trong những thời điểm giao mùa. Bên cạnh đó, cần chú ý hạn chế tắm nước lạnh, uống nước đá trong những ngày này.
- ✦
Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể: Bạn nên chú ý đến thực đơn ăn uống của mình, ăn nhiều hoa quả, trái cây, chủ động bổ sung vitamin C để tăng cường sức đề kháng
- ✦
Đeo khẩu trang nơi công cộng: Đeo khẩu trang giúp bạn hạn chế tình trạng hít phải giọt bắn của người bệnh có chứa virus. Ngoài ra, đeo khẩu trang còn giúp hạn chế lây lan nếu chẳng may bạn là người mắc bệnh.
- ✦
Tránh dùng chung các đồ vật với người bệnh: Nếu trong nhà có người đang mắc bệnh cảm lạnh, nên hạn chế tiếp xúc với người bệnh, vệ sinh sạch sẽ các vật dụng mà người bệnh đã dùng qua. Tốt nhất nên hạn chế dùng chung các đồ vật với người bệnh.
- ✦
Rửa tay với xà phòng và nước: Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch cũng là một trong những biện pháp phòng tránh bệnh cảm lạnh hiệu quả. Để rửa tay sạch, bạn nên chú ý thời gian rửa tay là 20 giây, rửa sạch các kẽ tay. Trong trường hợp không có xà phòng, bạn có thể dùng nước rửa tay sát khuẩn để thay thế.
- ✦
Không đưa tay lên mắt, mũi, miệng: Hiện nay bệnh cảm lạnh lây trực tiếp qua mắt, mũi, miệng. Do đó, bạn nên tránh đưa tay lên các bộ phận này, đặc biệt là khi chưa rửa tay sạch sẽ với xà phòng.
Thông thường, bệnh cảm lạnh có thể hết trong khoảng 2-3 ngày sau khi mắc bệnh. Tuy nhiên, nếu thấy bệnh không thuyên giảm, hãy đến gặp bác sĩ để có phương pháp điều trị bạn nhé! Ngoài ra, cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng ngừa bệnh để giữ sức khỏe cho bản thân và gia đình của mình!
Bệnh cảm lạnh, cảm cúm và những dấu hiệu phân biệt
Bệnh cảm lạnh gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau. Trong đó loại virus thường gặp nhất là Rhinovirus (loại này có tới 100 chủng khác biệt).
Nếu mắc bệnh cảm lạnh, bạn sẽ cảm thấy rõ sự khó chịu ở mũi và họng. Ngạt mũi, chảy nước mũi liên tục, sốt, ho và đau họng là những biểu hiện thường thấy ở người bị cảm lạnh. Bên cạnh đó, người bệnh còn thấy cơ thể mệt mỏi, chán ăn, cơ thể thỉnh thoảng cảm thấy hơi lạnh. Các dấu hiệu này sẽ kéo dài trong khoảng 3-5 ngày. Sau khoảng hơn 1 tuần thì có thể tự khỏi.
Khác với bệnh cảm lạnh, cảm cúm là bệnh truyền nhiễm cấp tính. Chúng lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp và được gây ra bởi virus cúm. Cảm cúm sẽ do 2 chủng cúm A và B gây ra.
Triệu chứng cơ bản của người bị mắc bệnh cảm cúm sẽ bao gồm:
- ✦
Sốt cao (từ 39 đến 40 độ C)
- ✦
Cơ thể đổ mồ hôi, đau đầu kèm các cơ đau cơ và nhức toàn cơ thể
- ✦
Viêm họng
- ✦
Mệt mỏi, chán ăn và cơ thể suy nhược
Trẻ em chưa biết nói khi bị cảm cúm thường chỉ quấy khóc. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần quan sát kỹ để biết con bị cảm cúm hay cảm lạnh và có hướng điều trị tốt nhất.
Phòng ngừa bệnh cảm lạnh và cảm cúm như thế nào?
Cách điều trị bệnh cảm lạnh
Việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh cảm lạnh sẽ không hiệu quả. Bởi cảm lạnh là do nhiễm virus gây ra. Cách tốt nhất là bạn nên có một chế độ ăn uống và ngủ nghỉ khoa học để đẩy lùi căn bệnh này. Hãy bổ sung các thực phẩm nhiều kẽm, vitamin C và D để điều trị và đẩy lùi các dấu hiệu của bệnh. Lúc này, cơ thể cũng cần những giấc ngủ sâu và nhiều hơn bình thường để hồi phục.
Nếu bạn muốn nhanh chóng dứt khỏi những cơn nghẹt mũi, đau nhức thì có thể kết hợp sử dụng các loại thuốc histamine, acetaminophen, thuốc giảm đau hoặc thuốc chống viêm. Nếu kết hợp uống thuốc và điều chỉnh ăn uống mà sau 7 – 10 ngày bệnh không thuyên giảm, bạn nên đến gặp bác sĩ.
Cách điều trị bệnh cảm cúm
Cũng tương tự như bệnh cảm lạnh, người bị bệnh cảm cúm cũng cần ăn uống và nghỉ ngơi thật khoa học. Bệnh cảm cúm thường có thể lây lan khá nhanh qua đường hô hấp. Bạn cần rửa sạch tay sau khi đi ra ngoài, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Ngoài ra, cần đeo khẩu trang, lấy tay che miệng khi ho hoặc hắt hơi để đảm bảo không lây lan bệnh.
Người bị bệnh cảm cúm cũng có thể sử dụng thuốc Paracetamol để giảm triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng. Tuy nhiên, cần ăn no trước khi uống thuốc và cách 4-6 tiếng mới được dùng liều thứ 2.
Nếu cảm thấy tình trạng không có dấu hiệu thuyên giảm, bạn cũng có thể thăm khám bác sĩ để có thuốc đặc trị và chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, giúp đẩy lùi bệnh nhanh nhất.
Trên đây là một vài thông tin hữu ích giúp bạn phân biệt được bệnh cảm lạnh và cảm cúm mà Cleanipedia muốn chia sẻ đến bạn. Về cơ bản, hai loại bệnh này có những nét tương đồng và điều trị tương đối giống nhau. Bạn cần chú ý đến các triệu chứng và thói quen sinh hoạt ăn uống tốt nhất để giúp khỏi bệnh nhanh nhất.
Tác giả: Team Cleanipedia
Facebook | Youtube | Instagram | Pinterest | Twitter
Bản quyền thuộc về: Unilever Vietnam. Ghi rõ nguồn khi tham khảo.
Biên tập viên
Bài mới nhất
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười hai, 2024Cách chăm sóc cây thường xuân tươi tốt tại nhà
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười một, 2024Tổng hợp các cách trồng dưa leo cơ bản cho người mới
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng mười, 20247 loại cây trồng ban công vừa đẹp vừa tỏa hương thơm ngát
- Chia sẻ kiến thức13 Tháng chín, 2024Mẹo Chụp Ảnh Cây và Hoa Tuyệt Đẹp Ngoài Thiên Nhiên